Lãnh đạo ở Hà Nội nói gì sau khi TP.HCM lỗ gần 8 tỷ đồng thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường?
Trước việc TP.HCM phải bù lỗ gần 8 tỷ đồng cho hoạt động thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường trong năm 2021, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã lên tiếng về hoạt động này tại Hà Nội.
Hà Nội không bố trí kinh phí từ ngân sách để tổ chức trông, giữ xe và thu phí
Cụ thể, tại cuộc họp báo do UBND TP.Hà Nội (chiều 1/7), báo chí đặt câu hỏi về việc TP.HCM vừa công bố năm 2021 lỗ gần 8 tỷ đồng trong công tác tổ chức thu phí đỗ xe theo giờ tại 20 tuyến phố.
"Tại Hà Nội hiệu quả hoạt động của các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè như thế nào? Cơ quan quản lý có giải pháp thanh kiểm tra gì để tránh thất thoát nguồn thu hay không?", phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, căn cứ các quy định của TP.Hà Nội, Sở GTVT cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường thuộc thành phố quản lý; UBND quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường do UBND quận, huyện, thị xã quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để đỗ xe trên địa bàn quản lý.
Đơn vị tổ chức cấp phép (Sở GTVT, UBND quận, huyện, thị xã) sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP.Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào Ngân sách nhà nước.
Tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức thực hiện việc trông, giữ xe và thu giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn Hà Nội theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP về việc Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn.
"Theo các quy định trên, TP.Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách TP để tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí; ngược lại ngân sách TP còn thu được một khoản phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe hàng năm", ông Bảo nói.
Kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông giữ xe
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở này đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố. Năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã thu phí và nộp ngân sách TP trên 46 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách TP trên 20 tỷ đồng.
Đối với UBND quận, huyện, thị xã: đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
"Để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở GTVT đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an TP, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn TP như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép… theo thẩm quyền để tránh thất thoát nguồn thu", ông Bảo nói.
Ông Trần Hữu Bảo cũng cho biết, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND Thành phố đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu.
UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thúy Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có lượng xe rất lớn, tất cả diện tích công ty được cấp phép đều được sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đơn vị nhận thấy, nhiều đơn vị trông xe tự phát và thu phí không đúng quy định việc này dẫn đến "chảy máu ngân sách của TP". Bà Hương đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý việc này.
Việc thu phí ô tô đậu, đỗ dưới lòng đường được TP.HCM triển khai từ tháng 8/2018 trên 20 tuyến đường thuộc các quận 1, 5 và 10. Mức phí tăng lũy tiến theo thời gian với mức thu thấp nhất từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên; tiếp theo từ 20.000 - 40.000 đồng/xe/giờ, tùy từng khu vực. TP.HCM từng kỳ vọng thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày từ việc thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường nhưng theo báo cáo của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM (Công ty TNXP - đơn vị được giao tổ chức thu phí đỗ xe), trong năm 2021, doanh thu thu phí khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỷ đồng. Riêng chi phí thuê phần mềm quản lý thu phí (Myparking) là hơn 2,19 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, TP.HCM phải bù lỗ gần 8 tỷ đồng cho hoạt động thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường trong năm 2021. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận