Lãnh đạo Huawei thừa nhận ‘chật vật’ sau lệnh cấm của Mỹ
Lãnh đạo của hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei thừa nhận họ đang phải gánh chịu những tổn thất lớn khi rơi vào "tâm bão" trong cuộc chiến công nghệ toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh.
Trao đổi với tờ Financial Times (FT) mới đây, các lãnh đạo của Huawei US (chi nhánh của công ty Huawei tại Mỹ) cho biết mặc dù họ đã có thể tìm được giải pháp thay thế cho rất nhiều loại thiết bị, đồ dùng cần thiết vốn lâu nay mua của Mỹ, song họ vẫn chưa tìm được lựa chọn khác thay cho những dịch vụ điện toán do Google cung cấp.
Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm Huawei sử dụng các linh kiện và sản phẩm do các công ty Mỹ cung cấp, bao gồm cả phần mềm, Google đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Gã khổng lồ tìm kiếm yêu cầu Huawei bàn giao tất cả các sản phẩm phần cứng, phần mềm có liên quan tới Google.
Là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, 100% smartphone Huawei sử dụng hệ điều hành Android. Quyết định của Google đồng nghĩa các smartphone Huawei trong tương lai sẽ phải sử dụng một phiên bản Android mã nguồn mở không có sẵn dịch vụ Google, chậm cập nhật.
Mặc dù Huawei vẫn còn được sử dụng phiên bản mã nguồn mở AOSP của Android. Tuy nhiên mức độ hoàn thiện của phiên bản này không thể so sánh với Android do Google phân phối tới các nhà sản xuất và nhà mạng. Chưa kể thời gian cập nhật trên AOSP cũng lâu hơn, các bản vá bảo mật cũng xuất hiện ít hơn, chậm hơn. Các dịch vụ của Google cũng không có sẵn trên phiên bản mã nguồn mở này.
Hiện tại, các khách hàng đang sử dụng những mẫu điện thoại di động đã có của Huawei vẫn có thể tiếp cận gian hàng ứng dụng Play Store của Google, bản đồ số Google Maps và các sản phẩm khác do Google Mobile Services cung cấp. Có được điều này là vì một lệnh miễn trừ tạm thời vẫn cho phép các nhà cung cấp Mỹ tiếp tục hỗ trợ dịch vụ cho các thiết bị đã có của Huawei.
Mới đây, tại một sự kiện diễn ra vào đầu tháng 8, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS, nền tảng giúp kết nối các thiết bị, giúp đồng bộ hệ sinh thái của Huawei.
Tuy nhiên khả năng HarmonyOS có thể thay thế được Android là rất thấp, ngay cả các lãnh đạo cao cấp của Huawei cũng phải thừa nhận điều này.
Theo bà Joy Tan, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Huawei, sẽ còn một thời gian rất lâu nữa để Harmony có thể được triển khai trong thực tế.
Bà Tan cho biết Huawei đã tìm được một số giải pháp thay thế nguồn cung từ Mỹ tuy nhiên bà thừa nhận rằng hãng này sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng một hệ điều hành thay thế Android của Google, với giả định rằng kế hoạch đó sẽ thành hiện thực.
Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới và là công ty đi đầu trong lĩnh vực 5G. Tuy nhiên hãng này từ lâu đã bị Mỹ nghi ngờ tiếp tay cho Bắc Kinh do thám chính phủ các nước.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 5 đã đưa Huawei vào "danh sách đen", cấm tập đoàn Trung Quốc này tham gia vào các hoạt động gây bất lợi cho an ninh quốc gia hay các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tới tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung thêm 40 chi nhánh của Huawei vào "danh sách đen", nâng tổng số thực thể của Huawei bị cấm lên hơn 100.
Đại diện Huawei cho biết hãng đã tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông minh, đồng thời không ngừng tăng hiệu quả và chất lượng các hoạt động của mình.
Huawei hiện vẫn đang nỗ lực để thuyết phục Washington về việc công ty này nên được cấp phép tiếp tục mua trang thiết bị của Mỹ và họ không phải là nguy cơ an ninh quốc gia như bị cáo buộc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận