Lãnh đạo Hồng Kông chính thức rút lại dự luật dẫn độ
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 4/9 tuyên bố đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi...
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 4/9 tuyên bố đã chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi - nguyên nhân gây bùng nổ phong trào biểu tình kéo dài suốt 3 tháng qua ở vùng lãnh thổ này.
Theo tin từ Bloomberg, quyết định trên được bà Lam đưa ra trong một bài phát biểu phát sóng trên truyền hình, sau một cuộc gặp với các chính trị gia kỳ cựu của Hồng Kông, bao gồm các nhà lập pháp của vùng lãnh thổ và đại diện của Hồng Kông tại cơ quan lập pháp Trung Quốc.
Ngoài ra, bà Lam cũng công bố một nghiên cứu độc lập về hoạt động của chính quyền Hồng Kông và tái khẳng định cam kết sẽ rà soát lại cách thức phản ứng của cảnh sát với người biểu tình.
"Những gì đã xảy ra trong hai tháng qua khiến tất cả mọi người bị sốc và buồn", bà Lam nói trong bài phát biểu. "Người dân lo lắng. Họ muốn thoát khỏi thế bế tắc hiện nay".
Động thái này của chính quyền Hồng Kông diễn ra sau khi phong trào biểu tình tiếp tục leo thang dữ dội vào cuối tuần vừa rồi bằng những cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo động. Từ đầu tháng 6 đến nay, cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành hơn 1.100 vụ bắt giữ người biểu tình.
Hiện chưa rõ phong trào biểu tình có lắng xuống sau khi bà Lam tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử.
Rút lại dự luật đồng nghĩa với chính quyền mới chỉ đáp ứng 1 trong số 5 yêu cầu mà người biểu tình đưa ra. Trong số này có yêu cầu thành lập một ủy ban độc lập để điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát, ân xá cho những người bị bắt giữ, bà Lam từ chức, và phổ thông đầu phiếu trong bầu cử.
Theo giáo sư Samson Yuen thuộc Đại học Lingnan, việc rút dự luật dẫn độ có thể giúp giảm bớt căng thẳng, nhưng chưa thể thỏa mãn người biểu tình. "Khẩu hiệu của người biểu tình vẫn là ‘5 yêu cầu, tất cả phải được đáp ứng’, nên họ sẽ còn chiến đấu", ông Yuen nhận định.
Những người phản đối dự luật dẫn độ cho rằng dự luật này đe dọa quyền tự trị của Hồng Kông và xói mòn uy tín của Hồng Kông với tư cách một trung tâm tài chính toàn cầu.
Hôm thứ Ba, các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đưa ra những phát biểu có phần mềm mỏng hơn, nói rằng biểu tình hòa bình là được phép theo quy định của pháp luật Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ yêu cầu của người biểu tình về dân chủ trực tiếp, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ dành cho bà Lam và chính quyền của bà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận