24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lắng nghe người dân hiến kế: Gỡ rào cản phát triển nhà ở xã hội

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, quỹ đất bị giới hạn, tình trạng phát triển nhà ở xã hội còn cách khá xa so với nhu cầu…, rất cần nhiều giải pháp đột phá

Trên thực tế thị trường nhà ở xã hội hiện nay, cả doanh nghiệp và người dân đều còn những khó khăn. Với doanh nghiệp đó là vấn đề lợi nhuận, đơn giản hóa thủ tục. Còn với người dân thì vẫn là thiếu tiền và cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng thì đi thuê nhà ở xã hội có thể coi là giải pháp cho người có thu nhập thấp. Đối tượng có nhu cầu thì nhiều nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro hay ngân hàng nào cũng sẵn sàng giải ngân hỗ trợ tín dụng do không chắc chắn về khả năng trả nợ.

Vì vậy, cần thành lập một tổ chức chuyên trách về giải quyết và bảo lãnh nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tự do miễn là họ chứng minh được thu nhập. Tổ chức này phải có đủ uy tín cũng như tài chính để đứng ra bảo lãnh cho vấn đề trả góp nhà. Như vậy, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội sẽ minh bạch và công bằng hơn, qua đó góp phần giảm giá thành nhà ở xã hội.

Một giải pháp cần triển khai mạnh là đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội với quy mô lớn, chất lượng cao, dễ dàng tái sử dụng. Xây dựng hạ tầng đồng bộ thành một đô thị nhà ở xã hội tập trung, có đủ điện - đường - trường - trạm, có cảnh quan cùng các tiện ích với giá cả phải chăng. Có thể phát triển các khu đô thị dành riêng cho nhà ở xã hội, hướng đến việc lập các khu nhà ở xã hội gắn với khu công nghiệp có quy mô lớn, như vậy sẽ đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng và giảm thiểu chi phí.

Song song đó, mở rộng đối tượng người lao động được phép vay tiền mua nhà ở xã hội, tăng cường cung cấp nhà ở xã hội cho thuê đối với lao động trẻ, gia đình trẻ.

Trước tình trạng phát triển nhà ở xã hội còn cách khá xa so với nhu cầu, chúng ta cần nhiều biện pháp đột phá. Ngoài việc huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp bất động sản, cần có chính sách ưu đãi đủ lớn để kéo thêm doanh nghiệp có tiềm lực nhảy vào phân khúc này. Đồng thời, tăng tính quyết định của địa phương nhưng cũng cần quản lý với sự công khai, minh bạch.

Đầu tư theo hình thức PPP

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) đang là một xu thế tất yếu. Đây là một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả mà TP HCM nên tận dụng triệt để.

Những lợi thế của mô hình PPP được minh chứng rất rõ nên các nước trên thế giới ngày càng có khuynh hướng chuyển dần sang khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, nhà ở.

Có nhiều lý do cho sự hợp tác với khu vực tư nhân trong phát triển và cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng, đó là: tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý dự án về hạ tầng; có các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng; có cơ hội tiếp cận và nắm bắt các công nghệ tiên tiến.

Công tác quy hoạch và phát triển được triển khai đúng đắn cho phép sàng lọc, lựa chọn tốt hơn các đối tác và hỗ trợ trong việc ra quyết định về cơ cấu của dự án, đưa ra lựa chọn thích hợp về công nghệ trên cơ sở xem xét chi phí trong toàn bộ vòng đời của dự án.

Bên cạnh đó, mô hình PPP trở nên hấp dẫn với các nước đang phát triển vì được đánh giá như là một cơ chế ngoài ngân sách phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng, như: giúp tăng cường cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng cần thiết; giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng...

Hiện quy định về PPP ở TP HCM được các nhà đầu tư đánh giá có tính ổn định chưa cao, trong khi hợp đồng dự án PPP thường kéo dài 20 - 30 năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật.

Do vậy, nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP và chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, TP HCM đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn, trong đó có đầu tư phát triển nguồn cung nhà ở xã hội. Mục tiêu an sinh xã hội với một triệu căn nhà ở xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đến vị thế đầu tàu nền kinh tế của cả nước mà TP HCM đang nắm giữ.

Đây là lúc UBND TP HCM, UBND quận - huyện và các sở - ngành triển khai lựa chọn những dự án trọng điểm, kết nối với nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

TP HCM cần thực hiện linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức chi trả cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, hạn chế áp dụng hình thức BT do quỹ đất bị giới hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả