menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Đức

Làng hoa Hà Nội vào mùa tết

Năm nào cũng vậy, cách Tết Nguyên đán hơn một tháng, người dân các làng hoa tại Hà Nội lại tất bật bước vào mùa chuẩn bị hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước khi mang hoa, cây cảnh rời vườn để bán phục vụ mọi nhà mang về chưng, chơi tết.

Nếu như người nông dân canh tác lúa thường chỉ vất vả khi bước vào vụ cấy, gặt, thì người dân làng hoa giai đoạn cuối năm mới thực sự bận rộn, mệt nhọc, bởi nhiều gia đình đều phải làm việc quên thời gian, thậm chí họ còn mang cơm ra vườn để ăn trưa chứ không có thời gian về nhà...

Mùa tuốt lá hoa đào

Nhiều năm gần đây, không chỉ có làng đào Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chuyên trồng cây hoa đào, tại các vùng ngoại thành Hà Nội đã xuất hiện thêm khá nhiều địa phương đưa cây hoa đào vào canh tác. Có thể kể tới những làng hoa mới trồng đào là: Uy Nỗ, Tiên Dương (huyện Đông Anh), Vân Tảo, Đào Xá (Thường Tín), Đông La (Hoài Đức), La Cả (quận Hà Đông)...

Dạo quanh những làng trồng hoa đào tại địa bàn Hà Nội những ngày gần đây, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say của người nông dân khi mà cây hoa đào đang vào dịp tuốt lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi phần nụ, hoa. Sau khi được tuốt lá, cây đào bắt đầu "tức" và bung nụ ra đồng loạt, sắc hoa mới rực rỡ khắp cành.

Tại làng đào La Cả (Hà Đông), dù đang trưa đứng bóng, nhiều người dân vẫn miệt mài tuốt lá đào. Anh Trần Văn Tuấn, một người trồng 320 gốc đào, cho biết muốn ruộng đào nở đúng dịp và đồng loạt, việc tuốt lá chỉ nên kéo dài trong 2-3 ngày trở lại. Do đó, cả gia đình anh phải làm việc cật lực từ sáng sớm tới tối mịt.

"Vào mùa tuốt lá đào quá bận rộn nên cả gia đình chúng tôi đều phải mua cơm hộp mang theo ăn trưa ngoài đồng. Các cháu đi học về nhà cũng tự lo ăn..." - anh Tuấn cho biết.

Tại Nhật Tân - một làng đào truyền thống lâu đời nổi tiếng của Hà Nội, chị Lê Thị Hạnh (chủ nhân vườn đào 150 gốc) cho biết do sợ thời tiết năm nay nóng ấm nhiều nên người dân ở đây tuốt lá muộn hơn mọi năm chừng 7- 10 ngày. Thông thường, các gia đình sẽ chia lịch tuốt lá làm hai đợt, với mỗi đợt cách nhau 5-7 ngày để đề phòng thất bát.

"Người trồng hoa đào phục vụ tết chẳng khác gì "đánh bạc với ông trời", bởi chỉ cần đào nở quá sớm hoặc quá muộn là coi như mất tết, khi mà hoa bán rẻ như cho không. Nếu hoa nở bán trúng tết, nông dân mới có thu và cũng có nụ cười. Do đó, việc canh thời gian và canh thời tiết để tuốt lá đào rất quan trọng, nó quyết định tới thành quả của cả một năm dài bỏ ra bao công sức chăm bón..." - chị Hạnh cho biết.

Làng hoa Hà Nội vào mùa tết

Nhiều người dân tại làng hoa Nhật Tân, Hà Nội phải ăn trưa ngay tại vườn trong mùa chuẩn bị cho hoa tết - Ảnh: VIỆT HƯNG

Vất vả gò thế cây quất

Không chỉ bận rộn vào những ngày tuốt lá như nông dân trồng đào tết, người dân làng Tứ Liên và Quảng Bá (thuộc địa bàn quận Tây Hồ), "thủ phủ" nổi tiếng với quất tết, phải lăn lộn vất vả cả tháng trời tại vườn khi mùa gò thế cây, tạo dáng cho cây bắt đầu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà (phường Quảng An), để có một cây quất dáng đẹp đòi hỏi phải trải qua công đoạn gò thế tạo dáng cây rất tỉ mỉ và công phu. Do đó, một người làm giỏi nhất cũng chỉ tạo thế được vài ba cây mỗi ngày. Với những hộ trồng vài ba trăm cây quất sẽ mất một khoảng thời gian khá nhiều cho công đoạn này.

"Nhà tôi năm nào bước vào giai đoạn cuối năm cũng phải ăn cơm ngoài ruộng, vì trồng mấy trăm cây quất nếu không gò thế tạo dáng khẩn trương sẽ không kịp bán tết..." - ông Hà nói.

Cạnh đó, bà Lê Thị Thắm, chủ vườn quất 250 cây, cũng đang cặm cụi cùng chồng và hai người con gò thế tạo dáng cây. "Nghề trồng quất vất vả quanh năm, tốn biết bao công sức cho việc vun trồng tưới tắm... nhưng vất vả nhất là giai đoạn cuối năm, khi vào mùa gò thế tạo dáng cho cây" - bà Thắm nói.

Theo bà Thắm, khi gò thế tạo dáng cây xong, phải có khoảng 15 ngày trở ra để cây quất phát triển tự nhiên, không co cúm, gò bó... Do đó, người trồng quất phải nhanh chóng hoàn thành công việc gò thế tạo dáng cây trước rằm tháng chạp.

Ngoài công việc gò thế tạo dáng, nhiều hộ trồng quất cảnh bonsai tại làng quất cảnh Tứ Liên cũng tấp nập bứng cây vào chậu, bình, hũ để cho bộ rễ của cây được ổn định trước khi bán cho người mua chưng tết. Anh Hoàng Văn Kính, người chuyên trồng quất bonsai, cho biết quất bonsai không mất nhiều công gò thế tạo dáng, mà thường người chơi thích dáng thế phát triển tự nhiên...

"Dù vậy, gia đình tôi cũng vất vả hơn vào thời điểm cuối năm khi phải đánh cây trồng vào chậu. Sau khi cây vào chậu rồi phải chăm, tưới cây sao để chúng không bị chết. Chưa kể công đoạn trồng cỏ trên mặt gốc cây, rải sỏi trang trí trên bồn chậu cây... cũng tốn khá nhiều thời gian..." - anh Kính cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại