Làn sóng thứ hai của cổ phiếu ngân hàng
Lần đầu tiên kể từ năm 2005, cổ phiếu ngân hàng thực sự trở lại đường đua mà nó đã từng dựng nên mười lăm năm trước, không chỉ đóng vai trò quyết định thúc đẩy thị trường chứng khoán, mà còn là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư nhàn rỗi trong xã hội. Đây có thể xem như cuộc “xâm chiếm” thị trường lần hai của cổ phiếu ngân hàng nhờ nỗ lực trong kinh doanh của bản thân các tổ chức tín dụng và dòng tiền rẻ đang và sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2021.
Một thập kỷ đầu tư không lời lãi
Khi lên sàn tháng 7-2009 cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giao dịch ngày đầu ở mức 18.000 đồng. Kể từ đó cho đến tháng 7-2017 tức trong vòng tám năm, thị giá cổ phiếu CTG không bao giờ qua nổi mốc 20.000 đồng (giá sau khi chia cổ tức và cổ phiếu thưởng các năm). Tháng 4-2018, khi VN-Index thăng hoa lên 1.200 điểm, nhà đầu tư lần đầu tiên thấy CTG có giá 36.000 đồng/cổ phiếu để rồi ngậm ngùi nhìn nó rớt về sát 17.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3-2020 khi dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Năm ngoái khi đảm đương trách nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị VietinBank, một trong những băn khoăn của ông Lê Đức Thọ là làm thế nào tăng vốn điều lệ cho ngân hàng và thị giá cổ phiếu, vốn không bằng một nửa BID của BIDV và một phần tư VCB của Vietcombank. Cuối cùng thì VietinBank cùng với BIDV và Vietcombank cũng được phép chia cổ tức hai năm 2018-2019 bằng cổ phiếu.
CTG là điển hình cho giá trị cổ phiếu ngân hàng chìm trong sự “phiêu dạt” của thị trường do quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu tồn đọng nhiều năm, và do sự thăng trầm của chứng khoán chung.
Hiện nay trên cả ba sàn có 21 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch. Trừ Vietcombank và BIDV trong ba năm gần đây thị giá cổ phiếu được thị trường nâng đỡ nhờ kết quả kinh doanh khả quan và bán cổ phần thành công cho nước ngoài, thị giá cổ phiếu các ngân hàng khác đa số còn thấp. Cả hai đều có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lớn, đặc biệt với BIDV. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên có lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỉ đồng và có khả năng duy trì lợi nhuận 1 tỉ đô la Mỹ/năm trong giai đoạn 2020-2025. Với những nhà đầu tư lạc quan, Vietcombank có thể đạt 2 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận vào năm 2025-2026. Riêng BIDV, lợi nhuận sẽ tăng tốc trong hai năm tới khi chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt hơn.
Thị giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết còn lại tuy đã bứt phá khoảng 30-50% so với đáy của tháng 3-2020, vẫn đang giao dịch xung quanh 1-1,2 lần giá trị sổ sách, tính ra giá trị vốn hóa thị trường từ 200 triệu đến 3 tỉ đô la Mỹ/ngân hàng. Chẳng hạn ACB, một ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tăng trưởng ổn định, giá trị vốn hóa hiện tại khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ. Hay VPBank giá trị vốn hóa tầm 2,56 tỉ đô la Mỹ, trong khi thương vụ chuyển nhượng Công ty tài chính FE Credit đã chốt giá trên 1 tỉ đô la Mỹ. Một số ngân hàng nhỏ như Ngân hàng Quốc dân (NVB); SaigonBank (SGB); Bản Việt (BVB)... với vốn điều lệ 3.000-4.000 tỉ đồng, thị giá quanh mệnh giá, giá trị vốn hóa chỉ khoảng 150-180 triệu đô la Mỹ/ngân hàng.
Ba câu chuyện thị trường
Trên thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thời gian gần đây, các đơn hàng chào mua một tỷ lệ chi phối, thường hơn 51%, cổ phần ngân hàng nhỏ ngày càng nhộn nhịp, cả từ đối tác nước ngoài và nhóm nhà đầu tư trong nước. Về nguyên tắc, nhà đầu tư tổ chức ngoại vẫn phải tuân thủ quy định room ngân hàng tối đa 30%, nhưng một số đối tác ngoại sẵn sàng hợp tác với đối tác nội để nắm giữ trên 51% cổ phần ngân hàng.
Tại sao ngân hàng nhỏ được săn đón? Vì xu hướng ngân hàng số đang thịnh hành và sẽ còn phát triển trong tương lai. Xây dựng một ngân hàng số thì quy mô không quan trọng, nên số tiền bỏ ra đầu tư càng ít càng hấp dẫn. Một ngân hàng, thí dụ, đang có vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng như Bản Việt, nếu được chuyển nhượng với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, thì số vốn đầu tư ước chỉ 250 triệu đô la Mỹ. Những tổ chức công nghệ như Grab, các doanh nghiệp e-commerce đang rất cần đầu tư vào ngân hàng số, nhất là khi họ đang sở hữu dữ liệu người dùng lớn, tới con số hàng triệu.
Câu chuyện thứ hai của thị trường liên quan đến các cuộc thâu tóm ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất việc tái cơ cấu, chủ yếu của các nhóm nhà đầu tư lớn, có thể huy động vốn cả trong và ngoài nước. Các nhóm nhà đầu tư này thường hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và việc có ngân hàng “chống lưng” vô cùng quan trọng đối với họ. Ở dòng này, Sacombank (STB) là một cái tên triển vọng. Sacombank đã đi được hơn nửa chặng đường tái cơ cấu, tổng giá trị tài sản không sinh lời đã giảm 55% so với thời điểm giữa năm 2017. Về nền tảng bán lẻ, rõ ràng Sacombank là ngân hàng cổ phần nằm trong tốp đầu Việt Nam. Không ít ngân hàng đã học chiến lược bán lẻ của Sacombank song không thành công.
Sacombank năm năm qua không tăng vốn điều lệ và hiện đang có một tỷ lệ cổ phần chi phối thuộc sở hữu của các tổ chức. Việc chuyển nhượng hơn 32,3% cổ phần STB mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang sở hữu, hay gần 16% cổ phần mà ngân hàng Kiên Long, Eximbank, Sacombank nắm giữ (do ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank) gợi nhớ câu chuyện nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê trước đây đã mua lại cổ phần STB từ đối tác nước ngoài.
Câu chuyện thứ ba là nguồn tiền đầu tư cổ phiếu ngân hàng. Ba tháng qua, giá trị khớp lệnh của cổ phiếu ngân hàng tăng rất mạnh. Các cổ phiếu như TCB, STB, ACB, CTG, VPB, LPB, MBB... giao dịch hàng chục triệu đơn vị/phiên. Bên cạnh tiền của các nhà đầu tư F0 tiếp tục chảy vào chứng khoán, thị trường đang chứng kiến dòng tiền rẻ từ các quốc gia lân cận vào Việt Nam, trong đó có kiều hối. Năm ngoái tổng lượng kiều hối chuyển về TPHCM qua ngân hàng, theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố, là 4 tỉ đô la Mỹ. Năm nay chín tháng đầu năm đã vượt 5 tỉ đô la Mỹ.
Tiền rẻ từ trào lưu in tiền của các ngân hàng trung ương thế giới nhằm chống lại dịch bệnh và hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội ở Mỹ, châu Âu, châu Á... đang nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến đầu tư tích cực. Điều này không chỉ diễn ra trên bình diện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà cả vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Động thái và cường độ mua vào ngoại tệ để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước là một minh chứng.
Và trên hết giá trị vốn hóa của các ngân hàng Việt ở mọi phân khúc, quy mô, đều đang rất hợp lý để đầu tư bởi chúng không hề lên giá so với 10-15 năm trước, trong khi ngành ngân hàng đã vững mạnh hơn nhiều. Trong vòng 2-3 năm nữa, giá trị vốn hóa của các ngân hàng sẽ thay đổi, song hành cùng với vị thế của chúng trong nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận