24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làn sóng Covid mới gây khó cho các NHTW

Rủi ro về một biến thể Covid mới ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế đang làm cản trở kỳ vọng tăng lãi suất vào năm tới của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và chất thêm nhiều khó khăn cho các cơ quan này.

Các thị trường tiền tệ hiện không còn định giá đầy đủ mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 6 năm 2022, cũng như việc tăng lãi suất 10 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối năm 2022 như trước đó vài ngày. Khả năng Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất vào tháng tới cũng giảm xuống mức 53%, từ mức 75% hôm thứ Năm tuần trước.

Những thay đổi đó diễn ra sau khi một biến thể coronavirus mới được phát hiện ở Nam Phi đã khiến nhiều quốc gia kích hoạt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn khi các nhà khoa học tìm cách xác định xem liệu đột biến này có kháng vắcxin hay không.

Chris Scicluna - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Daiwa cho biết, mặc dù hiện các ngân hàng trung ương dường như đang tập trung nhiều hơn vào lạm phát. Tuy nhiên sự xuất hiện của biến thể coronavirus mới có thể làm thay đổi quan điểm này. “Chúng ta đang ở trong giai đoạn bất ổn đáng kể đối với nền kinh tế”, ông nói.

Cũng giống như cơn hoảng loạn trên thị trường khi dịch Covid-19 lan rộng vào đầu năm ngoái, giá dầu đã giảm hơn 6% trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu ngành du lịch cũng ghi nhận mức giảm trên 6% và lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm giảm 12 điểm cơ bản, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

Chỉ thời gian ngắn trước đó, các nhà giao dịch tiền tệ đã đặt cược mạnh vào đồng USD và các đồng tiền khác trước triển vọng tăng lãi suất do lạm phát tăng cao và các nền kinh tế mạnh hơn. Chỉ số USD đã đạt mức cao nhất trong 17 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Hai tuần trước rằng ông sẽ đề cử Jerome Powell giữ vị trí Chủ tịch Fed thêm một nhiệm kỳ nữa. Tiếp đó, biên bản cuộc họp diễn ra ngày 2-3 tháng 11 của Fed cũng cho thấy nhiều nhà hoạch định chính sách sẵn sàng đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua tài sản và tăng lãi suất.

Vì vậy, với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản, trong năm 2022, các nhà đầu cơ tích lũy một vị thế “long” tới 20 tỷ USD đối với đồng bạc xanh, dữ liệu từ CFTC của Mỹ cho thấy. Tuy nhiên nếu biến thể coronavirus mới thực sự đã phá vỡ chính sách của Fed, thì “đồng USD có thể dễ bị tổn thương hơn một chút so với đồng euro vì chúng ta đã nói về việc Fed tăng lãi suất hai lần trong năm tới”, Francesco Pesole - Chiến lược gia ngoại hối tại ING Bank cho biết.

Việc trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm mạnh - một phân khúc trái phiếu đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất - đã đẩy phần bù lợi suất của nó ở Đức thấp hơn 10 bps. Không có gì ngạc nhiên khi đồng yên và franc Thụy Sĩ tăng hơn 1% so với đồng USD, trong khi đồng euro tăng 0,75%, mức tăng hàng ngày lớn nhất trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng Arend Kapteyn của Ngân hàng Đầu tư UBS cho biết, mặc dù niềm tin vào sự cải thiện của thị trường lao động Mỹ có thể mất dần do biến thể mới, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “thị trường đã vượt quá xa so với chính nó trong việc định giá về việc thu hẹp chương trình mua tài sản và tăng lãi suất trong năm tới”.

Biến thể mới cũng có thể làm phức tạp nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương nếu nó làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng, vốn được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao hiện tại.

Tại Anh, nơi lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 10 năm, các nhà đầu tư đã định giá lãi suất sẽ tăng khoảng 70 điểm cơ bản vào giữa năm 2022, bất chấp sự phục hồi kinh tế mờ nhạt. Nhưng trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, đồng bảng Anh giảm 0,6% so với đồng euro. Các nhà phân tích của MUFG dự đoán, cũng giống như đồng đôla New Zealand, đôla Úc và đôla Canada, đồng bảng Anh rất dễ bị tổn thương khi kỳ vọng tăng lãi suất suy giảm.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, biến chủng mới cũng có thể củng cố luồng quan điểm “bồ câu” trong Hội đồng Thống đốc của ECB. Mặc dù ECB được dự kiến sẽ cắt giảm Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) trị giá 1,85 nghìn tỷ euro (2,08 nghìn tỷ USD), chiến lược gia Peter McCallum của Mizuho hiện nhận thấy cơ hội lớn hơn là Chương trình này sẽ được kéo dài quá thời hạn tháng 3 năm tới.

Quan điểm đó đã phần nào được thể hiện trên khắp các thị trường trái phiếu Nam Âu, những người hưởng lợi lớn nhất của chương trình PEPP. McCallum cho biết: “Họ (ECB) đã nói rằng tình hình châu Âu không thay đổi kết quả của PEPP, nhưng nếu có một biến thể kháng vắc xin mới thì chắc chắn bức tranh sẽ thay đổi”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả