Làn sóng Covid-19 thứ hai: Quốc gia châu Á nào có nguy cơ cao nhất?
Nhiều quốc gia châu Á đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.
Các thành phố thủ đô vẫn là những đô thị có số ca nhiễm lớn nhất, một phần là do lượng dân cư tập trung đông đúc.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai của Trung Quốc chủ yếu tập trung tại thủ đô Bắc Kinh với ít nhất 184 ca nhiễm Covid-19 kể từ khi những trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/6.
Để ngăn chặn dịch bệnh, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, cấm người dân đi du lịch và áp dụng phong tỏa một phần thành phố.
Nhận định về triển vọng đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2, các chuyên gia y tế cho rằng, các chính phủ dường như đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh sau những kinh nghiệm thực tế thu thập được từ quá trình phòng chống dịch ban đầu.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, công tác phòng chống dịch vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cần nâng cao cảnh giác và đảm bảo các ổ dịch nhỏ nhanh chóng được phát hiện và khoanh vùng để không lan rộng thành các ổ dịch lớn và khó kiểm soát.
Theo ông Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng lâm sàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia có nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai là những nước đang có các ca lây nhiễm tại địa phương với số ca nhiễm hàng ngày từ vài trăm cho đến hàng nghìn.
“Mặc dù có thể có ý kiến cho rằng đây chỉ là phần còn sót lại của đợt bùng phát đầu tiên nhưng có nhiều khả năng những chuỗi lây nhiễm ở một số quốc gia chưa thực sự được khoanh vùng và cắt đứt”, ông Paul Ananth Tambyah nói.
Các quốc gia có nguy cơ cao mà ông Paul Ananth Tambyah nói đến ở đây bao gồm cả Ấn Độ khi chỉ riêng ngày 19/6 đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày cao kỷ lục với 13.586 trường hợp. Ấn Độ hiện đang đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm (412.788 người), chỉ đứng sau Mỹ, Brazil và Nga. Số người tử vong cũng đã tăng lên 13.290 người.
Tại Indonesia, quốc gia theo đạo Hồi này đã tăng cường xét nghiệm sau khi Tổng thống Joko Widodo yêu cầu nâng mục tiêu xét nghiệm lên 20.000 người/ngày. Indonesia đã ghi nhận thêm 1.331 ca nhiễm Covid-19 mới vào hôm 18/6 - mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 42.762 và hơn 2 nghìn người tử vong.
Hàn Quốc cũng báo cáo có thêm 49 ca nhiễm vào hôm 19/6, trong đó có 32 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có đến 26 trường hợp sinh sống tại các khu đông dân cư ở Seoul và các khu vực đô thị lân cận.
Giáo sư Lee Hoan-jong đến từ Bệnh viện Nhi đồng (Đại học Quốc gia Seoul) cho biết, một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể ập đến bất cứ lúc nào cho đến khi vaccine được áp dụng rộng rãi hoặc 60% số người nhiễm bệnh có khả năng miễn dịch cộng đồng.
Thực tế này cho thấy, đại dịch vẫn đang tồn tại và các quốc gia từng vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên đang chuẩn bị tinh thần để ngăn chặn sự xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai.
Đề xuất một số bài học kinh nghiệm mà châu Á có thể áp dụng từ đợt dịch đầu tiên, Giáo sư Michael Baker - chuyên gia về Y tế Công cộng tại Đại học Otago ở Wellington (New Zealand) khẳng định, khẩu trang đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng
Bên cạnh đó, một hệ thống y tế công cộng đủ năng lực, sự lãnh đạo kịp thời và ứng phó nhanh với đại dịch cũng sẽ phát huy tác dụng. Những bài học kinh nghiệm từ đại dịch SARS cũng rất hữu ích khi phòng chống dịch Covid-19.
Bắc Kinh - một trong những thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ khi đối phó với lần bùng phát Covid-19 lần thứ hai như thiết lập các trạm kiểm soát an ninh 24 giờ tại các cộng đồng, đóng cửa trường học và áp dụng cách ly xã hội.
(theo SCMP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận