Làn sóng cổ đông ngoại tham gia hội đồng quản trị doanh nghiệp niêm yết
Việc cổ đông ngoại tham gia vào hội đồng quản trị nhiều doanh nghiệp gần đây khiến giới đầu tư kỳ vọng tạo ra những mô hình quản trị chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ )Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đáng chú ý, Hội đồng quản trị BIC có sự tham gia của 2 thành viên nước ngoài trong tổng số 8 thành viên, đại diện cho 35% cổ phần của FairFax Asia Ltd. tại BIC.
Theo đó, ông Ramaswamy Athappan, Chủ tịch FairFax Asia Ltd. đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT BIC; ông Gobinath Arvind Athappan, ủy viên HĐQT FairFax Asia Ltd. trở thành thành viên HĐQT công ty này. Được biết, FairFax Asia Ltd. là công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada.
Mới đây, ĐHCĐ CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi Hội đồng quản trị xuất hiện nhân tố mới.
Ông Philipp Rosler, cựu Phó Thủ tướng Đức được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Công ty.
Ông Philipp Rosler hiện là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thuộc Tập đoàn VinaCapital, đồng thời nắm vị trí thành viên HĐQT của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.
HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) sau ĐHCĐ thường niên diễn ra hôm 30/6 có thêm 2 thành viên đại diện của nhóm cổ đông ngoại là ông Bolat Duisenov - đại diện cổ đông Kustocem và ông Herwig Guido H.Van Hove - đại diện cổ đông The8th.
Như vậy, trong 7 thành viên HĐQT Coteccons nhiệm kỳ 2017 - 2022, hiện tại đã có tới có 4 thành viên đại diện nhóm cổ đông ngoại.
Tại ĐHCĐ vừa qua của Tổng công ty cổ phẩn Bảo hiểm Petrolimex (Pjico, PGI), cổ đông ngoại Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) đã trúng cử một trong hai “ghế” bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024. SFMI hiện là cổ đông lớn tại Pjico, với tỷ lệ sở hữu là 20% vốn điều lệ.
Việc đề cử ông Lee Jae Hoon thay thế cho thành viên HĐQT đã miễn nhiệm là ông Kim Chang Soo có thể hiểu là động thái “giữ ghế” tại thượng tầng của Pjico, nhằm đảm bảo tiếng nói, quyền lợi của cổ đông ngoại SFMI tại doanh nghiệp thuộc Top công ty dẫn đầu thị phần bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Trong khi đó, cổ đông ngoại đến từ Nhật Bản cũng chính thức bước chân vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Có thể thấy, tần suất xuất hiện của cổ đông ngoại trong HĐQT các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam ngày càng nhiều.
Điều này không có gì khó hiểu, bởi những năm qua, hoạt động M&A doanh nghiệp Việt Nam, mà bên mua là nhà đầu tư nước ngoài diễn ra rất sôi động với nhiều thương vụ có giá trị lớn.
Một khi bỏ vốn lớn vào doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài muốn có tiếng nói với mọi chiến lược, đường hướng hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2012, nhóm cổ đông nước ngoài do Red River Holding dẫn đầu, nắm giữ hơn 36% CTCP Vicostone (VCS) đã không thể có ghế trong HĐQT Công ty, khiến mâu thuẫn nội bộ xảy ra gay gắt.
Sau đó 2 năm, Red River Holding đã hoàn toàn rút lui khỏi VCS và chuyển quyền sở hữu cho nhóm cổ đông trong nước.
Bên cạnh đó, việc tập trung quyền lực của HĐQT có thể dẫn đến các quyết định sai lầm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí có khả năng xâm phạm quyền lợi của các cổ đông khác.
Do vậy, việc phân tán quyền lực giúp các thành viên của doanh nghiệp tăng mức độ liên kết, cam kết và hợp tác thực hiện chiến lược, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc một công ty có quản trị tốt hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đòn bẩy tài chính, hay đúng hơn là tác động không nhỏ đến nguồn vốn.
Điều này cũng góp phần quyết định sự thắng bại của một doanh nghiệp. Sự góp mặt của những nhân tố ngoại trong HĐQT được kỳ vọng sẽ đưa tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế vào việc quản trị, điều hành doanh nghiệp Việt, cải thiện hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận