24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làn sóng chống vaccine khiến Đông Nam Á khó đánh bại COVID-19

Thông tin sai lệch về vaccine đang gây rất nhiều khó khăn cho các nước Đông Nam Á vốn đang phải gồng minh chống lại sóng thần COVID-19.

Dù Gerry Casida nằm trong danh sách ưu tiên tiêm miễn phí vaccine vì căn bệnh hen suyễn của mình, anh không có ý định tiêm chủng sớm.

"Tôi đã đọc nhiều bài đăng trên Facebook về số người chết ở các nước khác vì vaccine và cách mà điều đó được che giấu", công nhân xây dựng 43 tuổi đến từ Manila cho biết.

Casida kể một thầy lang nói với mẹ anh rằng vaccine có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.

Đủ loại thuyết âm mưu

Không chỉ Casida, hàng triệu người ở các điểm nóng COVID-19 tồi tệ nhất Đông Nam Á không vội tiêm chủng hoặc nói không với vaccine.

Họ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội, các nguồn tin không chính thống và phong trào bài vaccine ở các nước phương Tây.

Những nhìn nhận sai lầm đó đang làm suy yếu nỗ lực tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Á và chấm dứt đại dịch làm đình trệ nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù ghi nhận tỷ lệ số ca mắc mới vào tốp cao nhất thế giới, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tình trạng "kỳ thị" vaccine vẫn khá phổ biến ở Đông Nam Á.

Tại Philippines, một cuộc khảo sát của công ty Social Weather Stations chỉ ra rằng 68% người dân không chắc chắn hoặc không muốn đi chích ngừa.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Suan Dusit, 1/3 người Thái nghi ngờ hoặc từ chối tiêm chủng. Một cuộc khảo sát ở Indonesia cho thấy 1/5 dân số nước này do dự chuyện tiêm phòng.

Các hình thức tuyên truyền chống tiêm chủng là lý do chính dẫn tới sự chần chừ này. Nó làm chậm hơn nữa chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia đang gặp khó về nguồn cung vaccine.

Thái Lan và Philippines hiện mới chỉ tiêm vaccine cho chưa đầy 10% dân số.

"Bối cảnh truyền thông đang bị ô nhiễm. Việc phát tán thông tin sai lệch về vaccine gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi người", bà Melissa Fleming, phó tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của Liên Hiệp Quốc cho biết.

Tại Philippines, đoạn video bằng tiếng Anh nói về việc tiêm vaccine COVID-19 có thể khiến người tiêm nhiễm từ tính được chia sẻ chóng mặt. Ở Malaysia, thông tin sai lệch từ nguy cơ vaccine đe dọa tới tính mạng cho tới gây biến đổi gen đang lan truyền trên nền tảng tin nhắn WhatsApp.

Các thuyết âm mưu khác ngập tràn trên các nền tảng mạng xã hội, bao gồm vaccine có gắn chip siêu nhỏ thu thập dữ liệu sinh trắc học.

Nỗ lực trấn an người dân

Khó khăn đang chồng khó khăn tại các quốc gia Đông Nam Á. Nhiều nước vừa phải vật lộn với biển thế, vừa phải đối phó với thực trạng bị tụt lại về mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng so với các nước giàu.

Để khắc phục tình trạng này, các chính phủ phải liên tục trấn an người dân.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin nhấn mạnh không có chuyện cài chip vào virus.

Làn sóng chống vaccine khiến Đông Nam Á khó đánh bại COVID-19
Một phụ nữ tiêm vaccine COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Tới tháng 5, Bộ Y tế Singapore lên tiếng bác bỏ nghi ngờ của một cộng đồng bác sỹ tại nước này về việc vaccine sử dụng công nghệ mRNA có thể làm thay đổi DNA của người tiêm.

Leong Hoe Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore cho biết, ngay cả những người trẻ tuổi và học thức nhiều khi cũng bị cuốn vào thuyết âm mưu.

Bất chấp nỗ lực của các chính phủ, những tuyên bố sai lệch vẫn đang lan rộng.

Ishaana Aiyanna, một nhà nghiên cứu công ty công nghệ Logical cho biết các nền tảng mã hóa vốn ít bị kiểm duyệt đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán các thông tin sai sự thật.

Việc thiếu hụt các nguồn cung cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Khi các quốc gia chỉ mua được một loại vaccine, nhiều người muốn đợi cho tới khi có thể tiêm được những loại vaccine có chỉ số hiệu quả cao hơn.

Tại Thái Lan, một số người từ chối tiêm vaccine của Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh).

Ở Philippines, gần 50% người tham gia một cuộc khảo sát đầu năm cho biết họ tin tưởng nhất vào các mũi tiêm do Mỹ phát triển. Nhưng chương trình vaccine của nước này dựa phần lớn vào vaccine của Trung Quốc.

Các nước đang phải áp dụng nhiều cách thức để khuyến khích người dân tiêm chủng.

Trong một động thái cứng rắn, Tổng thống Rodrigo Duterte dọa bỏ tù người từ chối tiêm vaccine.

Một huyện ở miền bắc Thái Lan tặng bò, người dân ở vùng nông thôn Indonesia được nhận gà nếu chịu đi chích ngừa.

Ông Leong cho rằng tuyên truyền sâu rộng để người dân biết về hiệu quả của việc tiêm vaccine là công cụ tốt nhất để chống lại tình trạng do dự như hiện tại.

"Vũ khí mạnh nhất mà COVID-19 có để chống lại con người là sự do dự về vaccine và phản ứng thiếu phối hợp trên toàn thế giới. Với hai yếu tố này, con người đang thất bại và virus đang chiến thắng một cách đáng kinh ngạc", ông Leong cho biết.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả