"Lằn ranh" giữa thị trường tiền điện tử và tiền pháp định đang hẹp dần?
Được ví như những "chú bé tí hon", tiền điện tử hoạt động trên nền tảng chuỗi khối được coi là nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp thị trường tiền pháp định suy thoái.
Đã qua rồi giai đoạn tiền điện tử được coi là một thị trường độc lập. Điều này khiến những cuộc tranh cãi giữa các chuyên gia, giới hoạch định chính sách và chính phủ về ranh giới của hai khái niệm đồng tiền điện tử và đồng tiền pháp định ngày một nóng lên .
Được ví như những "chú bé tí hon", các loại tiền điện tử hoạt động trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) được coi là nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp thị trường tiền pháp định suy thoái, vốn được cho là kịch bản khó tránh khỏi trong tương lai.
Ở chiều ngược lại, những "gã khổng lồ" trong thế giới tiền pháp định của các ngân hàng trung ương lại cho rằng đồng tiền này mới là chân lý. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey thậm chí còn khẳng định: "Thành thật mà nói, tôi hoài nghi về tài sản tiền điện tử bởi chúng rất nguy hiểm".
* Tiền điện tử: Không còn là thị trường khép kín
Giá trị của đồng Bitcoin, biểu tượng của thế giới tiền điện tử, đã giảm từ ngưỡng khoảng 58.000 USD/BTC xuống còn khoảng 36.000 USD/BTC chỉ trong vài tuần qua. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến "cú sốc" này là việc Giám đốc điều hành của Tesla Elon Musk khẳng định ông sẽ đình chỉ chính sách cho phép sử dụng đồng Bitcoin để mua ô tô Tesla.
Cùng với đó, việc các nhà quản lý Trung Quốc có những động thái trấn áp đối với hoạt động khai thác Bitcoin cũng đã tiếp thêm động lực cho các quyết định bán tháo trên thị trường.
Mặc dù vậy, một số người cho rằng đến nay hậu quả việc Bitcoin sụt giá nghiêm trọng là không quá lớn bởi không có thiệt hại rõ ràng nào liên quan đến tài sản thế chấp được báo cáo. Lâu nay, tiền điện tử chỉ đóng vai trò như một "sân chơi phụ" trong thế giới tài chính rộng lớn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng quan điểm này là quá phiến diện. Theo họ, điện tử cũng giống như vàng, được xây dựng dựa trên niềm tin chung về giá trị của thị trường. Xét trên một mức độ nào đó, đây đều là tài sản có giá trị và tiền điện tử đang trên đà tiến vượt qua ranh giới của một thế giới khép kín.
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Thomas Schelling từng thực hiện một nghiên cứu chỉ ra rằng con người thường có xu hướng ngầm thực hiện những hành động mà họ cho rằng những người khác cũng sẽ làm mà không trực tiếp thể hiện ra điều đó. Nghiên cứu này đã được sử dụng để giải thích về đà phát triển "như vũ bão" của đồng Bitcoin trong thời gian qua.
Điều tương tự cũng tồn tại trong thị trường vàng. Theo nhà kinh tế học Schelling, thị trường kim loại quý này là hiện thân của một trò chơi phối hợp, trong đó vàng miếng có giá trị là bởi vì có nhiều người cùng ngầm đồng ý rằng nó là có giá trị. Nguyên lý đám đông này cũng được áp dụng với một số tài sản khác không có giá trị nội tại nhất định.
Bên cạnh đó, giá trị của những tài sản này cũng được thúc đẩy bởi sự khan hiếm và tuổi thọ. Willem Buiter, một nhà kinh tế học nổi tiếng, từng gọi vàng theo một cách bóng bẩy là "bong bóng 6.000 năm tuổi". Trong khi đó, đồng Bitcoin có tuổi đời non trẻ hơn nhưng cũng chịu sự chi phối tương tự. Mặc dù đồng tiền này được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại và được sử dụng trực tiếp trong các giao dịch, song lợi điểm bán hàng độc nhất của đồng tiền này chính là sự khan hiếm và sự nổi tiếng.
* Hậu quả là có thật
Trước đây, thị trường tiền điện tử thường được ví như một khu vườn với những bức tường bao quanh và không có bất kỳ sự kết nối nào với phần còn lại của thị trường tài chính. Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác và hiện đã xuất hiện một con đường liên kết giữa giá tiền điện tử với thị trường vàng.
Theo một phân tích gần đây của chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou thuộc ngân hàng JPMorgan Chase, dòng tiền chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) để đầu tư vào thị trường vàng đã bắt đầu hồi sinh, cũng giống như cách mà tiền đang chảy ra khỏi các hợp đồng tương lai và ETF của Bitcoin. Diễn biến này cho thấy các tổ chức đầu tư đang muốn quay trở lại với vàng sau một thời gian đổ vốn vào tiền điện tử, một phần nguyên nhân là do giá Bitcoin đã tăng quá nhanh.
Nhìn theo cách này, sự sụt giảm của đồng Bitcoin và sự hồi sinh của vàng là một giao dịch có giá trị tương đối (relative value - phương pháp xác định giá trị của một tài sản có cân nhắc đến giá trị của những tài sản tương tự) trong phạm vi giới hạn lạm phát rộng lớn hơn.
Hơn nữa, sự sụp đổ của tiền điện tử hiện nay nếu xảy ra sẽ thật sự là một vấn đề. Dù là trải qua năm thị trường giá xuống thứ ba trong vòng bốn năm trở lại đây, tiền điện tử đã và đang thu hút rất nhiều nguồn vốn đổ vào. Theo đánh giá của một trang web chuyên nghiệp coingecko.com, giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử hồi giữa tháng 5/2021 là hơn 2,5 triệu USD. Hai tuần sau đó, con số này giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu USD.
Sự sụt giảm này mang lại những khoản lỗ. Mặc dù khi giá tiền điện tử tăng trở lại thì những thiếu hụt này sẽ nhỏ lại, song ứng với mỗi đỉnh cao mới, rủi ro lại lớn hơn bao giờ hết. Và 1 USD bị mất khi đầu tư tiền điện tử cũng có giá trị giống như 1 USD mà người ta từng kiếm được hoặc đi vay, dù ngay cả trong thời điểm hiện tại vẫn rất khó để xác định chính xác đâu là đối tượng chịu tổn thất nhiều nhất.
Có thể nói, tiền điện tử là tài sản có tính đầu cơ cao. Do đó, giá của những đồng tiền này cũng có thể được coi như tín hiệu cho những thay đổi trong "khẩu vị" rủi ro của giới đầu tư, tức là tâm lý ưa thích đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro.
Và cho đến nay, có một điều không thể phủ nhận đó là niềm tin thị trường chính là yếu tố quan trọng nhất đối với giá trị của tất cả các loại tài sản, cho dù đó là đồng USD hay đồng Bitcoin./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận