"Làn gió mới" trong quan hệ thương mại với Trung Quốc-Canada
Phóng viên TTXVN tại Canada tổng hợp nhận định của giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Justin Trudeau.
Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc sẽ là trung tâm của mối quan hệ Ottawa-Bắc Kinh. Những gắn kết giữa hai nước trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại được dự đoán sẽ xoay quanh nhân tố Huawei.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 của Canada, Thủ tướng Trudeau đã vượt qua nhiều vụ bê bối và giành chiến thắng. Tuy nhiên, đảng Tự do của Thủ tướng đã để mất thế đa số ở Hạ viện.
Những vấn đề trong nước đã chi phối cuộc tổng tuyển cử vừa qua và sự rạn nứt giữa bờ Đông và bờ Tây, giữa khu vực thành thị và nông thôn tại Canada rõ ràng đã ngày một lớn và sâu sắc hơn.
Chính phủ thiểu số không phải là hiện tượng mới trên chính trường Canada và có nhiều ý kiến đánh giá đây có thể là điều tốt đối với việc hoạch định chính sách.
Thủ tướng sẽ phải lắng nghe quan điểm và nhu cầu của các nghị sĩ từ các đảng khác. Thủ tướng Trudeau đã bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể điều hành chính phủ mà không cần phải xây dựng một liên minh chính thức.
Mối quan hệ giữa Ottawa với Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng từ tháng 12/2018, sau khi bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ.
Ngay sau đó, Bắc Kinh tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia của Trung Quốc, đồng thời chặn đường vào thị trường Trung Quốc đối với một số nông sản chủ chốt của Canada. Những động thái này của Bắc Kinh được giới quan sát cho là để trả đũa việc Ottawa bắt giữ CFO của Huawei.
Vụ dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ sẽ mất nhiều thời gian để có được “đáp án cuối cùng” và sẽ gây thêm khó khăn cho Ottawa khi phải ra quyết định về việc liệu có sử dụng công nghệ của Huawei trong mạng viễn thông 5G của Canada hay không.
Mỹ đã tiến hành một chiến dịch trên quy mô toàn cầu chống Huawei, cho rằng Huawei là bình phong cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Washington đang gây sức ép muốn các đồng minh, trong đó có Canada, cấm Huawei tham gia mạng 5G.
Trong một phát biểu mới đây, Toàn quyền Canada, bà Julie Payette bày tỏ hy vọng Ottawa và Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương vào năm 2020 để lấp đầy sự chia cách giữa hai bên.
Ottawa đã quyết định chọn ông Dominic Barton - nguyên Giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn quản trị hàng đầu thế giới McKinsey & Company - là đại diện ngoại giao cao nhất của Canada ở Trung Quốc, với hy vọng vị Đại sứ mới này có thể giúp bình ổn mối quan hệ với Bắc Kinh.
Có thể nói, thành công trên cương vị Đại sứ của ông Dominic Barton sẽ một phần phụ thuộc vào việc ông có đủ khả năng để giúp hai công dân Kovrig và Spavor được tự do hay không, cũng như để mang lại "làn gió mới" cho mối quan hệ thương mại giữa Canada với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau dường như đặc biệt cẩn trọng, thậm chí là khá kín tiếng về giải pháp nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong quan hệ với Trung Quốc. Và Ottawa có lý do để làm như vậy.
Xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với tương lai nền kinh tế của Canada. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của “xứ sở lá phong” và có mối quan hệ kinh tế-xã hội cũng như văn hóa với Canada khá sâu sắc.
Trước khi quan hệ song phương trượt dốc, Trung Quốc là một trong những khách hàng mua nhiều nông sản của Canada nhất, đồng thời là một thị trường đang tăng trưởng đối với các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các nhà sản xuất đồ xa xỉ phẩm của Canada.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn trong mối quan hệ thương mại giữa Canada và Trung Quốc, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ của Canada vẫn dựa vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để duy trì sức tăng trưởng.
Trung Quốc - một thị trường khổng lồ với sức tăng trưởng mạnh mẽ - “quá khó” để có thể bỏ qua. David Goldstein, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Destination Canada, cho biết, Trung Quốc là nguồn du khách lớn nhất đối với Canada, sau Mỹ. Lượng du khách Trung Quốc đổ tới Canada đã chi tiêu 2 tỷ CAD (1,52 tỷ USD) ở “xứ sở lá phong” trong năm 2018.
Trong 15 năm qua, Canada đã phải chứng kiến sức sản xuất và năng lực cạnh tranh đi xuống. Nguy cơ kinh tế suy thoái đã xuất hiện, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây. Giới chuyên gia cho rằng Canada cần tìm kiếm hướng đi trong một môi trường mới.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò do Đại học British Columbia thực hiện cho thấy, một nửa số người tham gia khảo sát không muốn Huawei Technologies Co Ltd đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thiết bị cho mạng 5G tại Canada./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận