“Làn gió” logistics mới ở miền Trung
Với nhiều lợi thế, đặc biệt đã tích hợp đồng bộ các dịch vụ vận tải đường bộ, đường biển, dịch vụ cảng, kho bãi tạo thành chuỗi logistics trọn gói, với chi phí vận tải thấp... cảng Chu Lai đang trở thành “làn gió” logistic mới ở miền Trung.
Khó khăn do đầu tư nhỏ lẻ
Khu vực miền Trung - nằm ở vị trí chiến lược của đất nước, khi có bờ biển dài. Bên cạnh, miền Trung còn nằm trên hành lang vận tải Bắc - Nam và Đông – Tây, hành lang kinh tế Đông - Tây của Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Đặc biệt, các địa phương trong khu vực còn sở hữu nhiều cảng biển, mạng lưới các sân bay và hệ thống đường sắt, đường bộ khá đồng bộ, dễ dàng kết nối...
Với nhiều tiềm năng, nên nếu so sánh với các khu vực khác của đất nước, miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Trên thực tế, các địa phương trong khu vực cũng đã định hướng, xây dựng logistics trở thành một trong những trụ cột để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Tại nhiều diễn đàn, hội thảo tìm hướng phát triển kinh tế của các địa phương trong khu vực, TS. Trần Du Lịch từng nhiều lần khẳng định, để phát triển kinh tế biển trong khu vực miền Trung, thì logistics là đòn bẩy làm trục xoay. Theo đó, với lợi thế và tiềm năng trong khu vực thì việc đầu tư phát triển cảng biển gắn logistics, sẽ góp phần khai thác tốt các tiềm năng, đặc biệt để đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút đầu tư...
Tuy có nhiều tiềm năng, song trên thực tế việc phát triển dịch vụ logistics tại miền Trung cũng như cả nước hiện nay, vẫn đang còn rất nhiều “điểm nghẽn”. Trên thực tế, mặc dù sở hữu rất nhiều cảng biển, song tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong khu vực hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ nhỏ trong cả nước. Nhiều cảng trong khu vực mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ “gom hàng”, sau đó được đưa đến các cảng lớn tại TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng... để xuất đi nước ngoài.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực logistics, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên, là do dịch vụ logistics trong khu vực đã và đang được đầu tư theo kiểu dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ... thiếu đi những điểm đến xứng tầm, đặc biệt là được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản, theo hướng phục vụ trọn gói logistics. Hiện nay, mặc dù được xây dựng nhiều, song tại khu vực miền Trung vẫn còn thiếu những cảng chuyên phục vụ tàu container có quy mô lớn. Đặc biệt, các địa phương vẫn chưa đầu tư trọn gói từ cảng biển, đến các dịch vụ vận tải đa phương thức, nhằm kéo giảm chi phí logistics, để có sức cạnh tranh với các “đối thủ” khác ở trong nước, chứ chưa nói đến với nước ngoài... Bởi vậy, để nâng tầm hoạt động dịch vụ logistics ở miền Trung cần thiết phải có những “hạt nhân”, được đầu tư một cách bài bản. Trong đó, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đi cùng với đó là các dịch vụ đi kèm, đặc biệt là mạng lưới dịch vụ trọn gói logistics, nhằm phục vụ các “thượng đế”, một cách bài bản nhất với chi phí hợp lý nhất.
Mô hình dịch vụ trọn gói logistics
Trong bối cảnh trên, thời gian gần đây cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI), đang nổi lên là một điểm đến dịch vụ logistics mới ở miền Trung. Đây đang trở thành một cửa ngõ vươn ra biển lớn, quan trọng của các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đi sau nhưng đón đầu, cảng Chu Lai với sự đỡ đỡ đầu từ Thaco đã và đang đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp toàn bộ chuỗi dịch vụ, thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm giao nhận - vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế. Đây là cảng hàng hóa tổng hợp được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với kết cấu bến liền bờ, bằng công nghệ cừ larsen tiên tiến rất phổ biến tại các quốc gia trên thế giới như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore... Trong hoạt động, chủ đầu tư đã gắn cảng biển với vận tải đa phương thức, nhằm gia tăng nguồn hàng, rút ngắn thời gian và giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh.
Trên thực tế, cảng Chu Lai có ưu điểm là cảng kín gió, vị trí địa lý thuận lợi, khi nằm trên tuyến sông Trường Giang, cách Đà Nẵng gần 80 km, cách Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) gần 30 km, cách KCN VSIP (Quảng Ngãi) 40 km, KCN Bắc Chu Lai và KCN Thaco - Chu Lai 3 km. Cảng dễ dàng kết nối với Quốc lộ 1A (2km) và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (4km)… trong khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống nhà ga và sân bay quốc tế. Hiện, cảng có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải đến 20 nghìn tấn, bao gồm tàu container, tàu hàng rời tổng hợp và hàng lỏng... Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến nông sản ở KKT mở Chu Lai cho biết, từ khi có cảng Chu Lai, công ty không còn đưa hàng nông sản của doanh nghiệp ra đến cảng Đà Nẵng hoặc vào tận cảng Quy Nhơn (Bình Định) để xuất khẩu nữa. Xuất khẩu tại cảng Chu Lai, chúng tôi vừa tiết kiệm được chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận chuyển, đặc biệt tiết kiệm được thời gian giao hàng cho đối tác...
Để phục vụ khách hàng, cảng Chu Lai đang ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, và được đầu tư các trang thiết bị tiên tiến như cẩu liebherr, xe nâng chụp, xe cẩu bánh lốp, xe nâng Folk Lift, tàu lai dắt, hàng trăm xe đầu kéo công suất lớn được trang bị thiết bị GPS tiên tiến, cùng các thiết bị bốc xếp hiện đại, đồng bộ... Đồng thời, cảng cũng đầu tư hệ thống quản lý kho hàng trên nền tảng số hóa, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp với thông tin của các hãng tàu, cảng biển, cảng hàng không, hải quan và hệ thống phương tiện vận tải kết nối, giúp khách hàng cập nhật thông tin hàng hóa nhanh chóng và chính xác. Hiện, bên cạnh các tuyến vận tải nội địa, cảng Chu Lai là nơi cập bến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như, SITC (Hàn Quốc), APL (Nhật Bản), COSCO (Trung Quốc), ZIM (Isarel)… Quý I/2021, hơn 10.800 container linh kiện, 1.500 container nông sản, 17.200 tấn dăm gỗ cùng nhiều loại hàng hóa khác đã được xuất nhập khẩu qua cảng. Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng dự kiến đạt 4 triệu tấn (tăng 53% so với năm 2020)...
Với nhiều lợi thế, đặc biệt đã tích hợp đồng bộ các dịch vụ vận tải đường bộ, đường biển, dịch vụ cảng, kho bãi tạo thành chuỗi logistics trọn gói, với chi phí vận tải thấp... cảng Chu Lai đang trở thành “làn gió” logistic mới ở miền Trung. Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kỳ vọng, trong tương lai gần, với lợi thế cạnh tranh và sự đồng bộ dịch vụ trọn gói logistics đã và đang thực hiện tại cảng Chu Lai sẽ trở thành cảng biển không chỉ của riêng Thaco mà trở thành thương cảng quốc tế giao lưu hàng hóa nhộn nhịp tại khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận