Lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, người Nhật được nếm trải cảm giác giá mọi loại hàng hóa đều tăng
Đồng yên yếu hơn đang đẩy giá hàng hoá nhập khẩu, giá năng lượng và chi phí nguyên liệu thô leo thang.
Thời kỳ hoàng kim của các cửa hàng đồng giá 100 yên ở Nhật Bản, từ lâu đã trở thành một biểu tượng của nền kinh tế mắc kẹt trong tình trạng giá cả đi ngang ở gần 3 thập kỷ, đang dần sụp đổ.
Đồng yên yếu hơn đang đẩy giá hàng hoá nhập khẩu, giá năng lượng và chi phí nguyên liệu thô leo thang. Do đó, Daiso Industries Co., Seria Co. và các công ty kinh doanh cửa hàng đồng giá 100 yên khác đang gặp rất nhiều khó khăn trong môi trường lạm phát.
Thị trường cửa hàng đồng giá 100 yên trị giá 950 tỷ yên (7 tỷ USD) của Nhật Bản đang chật vật để tìm cách giải quyết vấn đề chi phí gia tăng mà không làm "phật lòng" thế hệ người tiêu dùng đã quen với tình trạng giảm phát. Đây là một thách thức đặc biệt lớn vì tiền lương của người lao động không tăng. Những nỗ lực của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), nhằm thúc đẩy lạm phát trong hơn 1 thập kỷ đã không tạo ra một chu kỳ kinh tế lành mạnh với thu nhập cũng như giá dịch vụ, hàng hoá tăng lên.
"Rẻ hơn 1 yên" là điều mà Minoru Akaike và những người tiêu dùng khác đang tìm kiếm khi họ đến những cửa hàng đồng giá 100 yen. Một lao động 40 tuổi trong ngành dịch vụ gần đây đã đến cửa hàng Daiso ở Mitaka (phía tây Tokyo) chỉ để "săn lùng" miếng mút rửa bát với giá rẻ hơn trong siêu thị.
Giống những cửa hàng 1 USD ở Mỹ, các cửa hàng 100 yên Nhật trở nên phổ biến khi là địa điểm mà người tiêu dùng thoải mái mua sắm nhưng vẫn có thể kiểm soát số tiền họ phải thanh toán. Tuy nhiên, không như ở Mỹ, các cửa hàng ở Nhật Bản phục vụ nhiều đối tượng có mức thu nhập khác nhau và bán tất cả các loại sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ văn phòng phẩm cho đến đồ bếp hay thức ăn cho thú cưng.
Các nhà cung cấp đang tìm cách để tăng giá hàng hoá mà họ gửi đến B-One, cửa hàng 100 yên ở khu Kanda của Tokyo. Theo quản lý của cửa hàng, đồng yên suy yếu cùng chi phí năng lượng, nguyên liệu tăng cao đang gây khó khăn cho việc duy trì một mô hình kinh doanh vốn phụ thuộc vào tỷ suất lợi nhuận thấp và doanh số bán hàng cao.
Một nhà cung cấp túi đựng rác gần đây đã tăng gia sản phẩm. Bởi vậy, họ đã chuyển chênh lệch chi phí này cho người tiêu dùng, nhà sản xuất đã giảm 5 túi trong mỗi gói, quản lý của B-One cho hay.
Seria, công ty điều hành khoảng 1.700 cửa hàng đồng giá trên toàn Nhật Bản, dự báo doanh số bán hàng sẽ tăng 4,2% trong năm tài chính đến hết tháng 3. Đồng thời, họ cũng cảnh báo lợi nhuận hoạt động sẽ giảm 16% xuống còn 17,5 tỷ yên.
Can Do Co., một doanh nghiệp điều hành chuỗi cửa hàng 100 yên khác, cho biết trong báo cáo tài chính gần đây rằng họ vẫn gặp nhiều yếu tố khó khăn do chi phí nguyên liệu toàn cầu tăng và tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Tại Mỹ, nơi lạm phát ngày càng có tác động trên quy mô lớn, các cửa hàng đồng giá không còn bán hàng hoá với giá 1 USD nữa. Trong năm nay, Dollar Tree đã tăng giá lên 1,25 USD đối với phần lớn sản phẩm.
Dollar Tree (Mỹ) phải tăng giá phần lớn các sản phẩm. Ảnh: Nhịp sống kinh tế.
Trước đây, các cửa hàng 100 yên vẫn có khả năng ứng phó với tình trạng đồng yên suy yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao nhờ thay đổi kích thước và số lượng bao bì. Song, điều này giờ đây đã trở nên khó khăn hơn khi các nhà cung cấp không quen với việc giá bị điều chỉnh đột ngột sau một thời gian dài ổn định, theo Kuni Kanamori, Nhà phân tích bán lẻ tại SMBC Nikko Securities.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 6 của nhà nghiên cứu Teikoku Databank Ltd., các công ty Nhật Bản cho biết họ có thể chuyển trung bình 44% chi phí chênh lệch cho khách hàng. Khoảng 15% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ hoàn toàn không thể chịu gánh nặng chi phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận