24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn quang huy Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làm thế nào thu hút dòng vốn chip bán dẫn vào Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng lớn để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, nếu biết tận dụng cơ hội thông qua cải thiện hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những biện pháp này không chỉ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh mà còn thúc đẩy ngành công nghệ cao phát triển bền vững.

Ngày 21/09/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018, ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trước mắt, trong giai đoạn 1, từ nay đến năm 2030, mục tiêu là tập trung thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sẽ đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 10-15%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50,000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Làm thế nào thu hút dòng vốn chip bán dẫn vào Việt Nam?

Làm thế nào thu hút?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc thu hút dòng vốn FDI hiện nay đang tương đối tốt. Các nhà đầu tư vẫn đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam tốt và họ vẫn tiếp tục muốn đầu tư. Đặc biệt, khi Việt Nam giữ được ổn định tỷ giá hối đoái so với đồng USD.

Muốn thu hút ngành chip bán dẫn, điều quan trọng nhất hiện nay là đào tạo được và có lực lượng nhân công đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Song song đó, Chính phủ cũng nên tạo điều kiện về môi trường đầu tư, địa điểm khu công nghiệp để có lợi thế thu hút nhà đầu tư chip bán dẫn.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi lại cho rằng, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, Việt Nam cần tập trung vào một số chiến lược quan trọng, kết hợp giữa cải thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động.

Đầu tiên, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng có thể dùng vốn đầu tư xây dựng nhanh, nhưng về con người thì cần phải có thời gian đào tạo, vừa học vừa làm, gia tăng các trải nghiệm thì mới phổ cập, nâng cao nguồn nhân lực cho lĩnh vực này theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút chuyên gia công nghệ bán dẫn nước ngoài đến làm việc, từ đó giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và kỹ năng. Song song đó, cần gửi nhân sự đi du học tại các quốc gia phát triển về bán dẫn, vứi các chính sách đãi ngộ tốt để họ quay trở lại phụng sự cho tổ chức và quốc gia.

Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi đầu tư. Ưu đãi thuế và các chính sách hỗ trợ tài chính: Việt Nam có thể cung cấp các gói ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và các khoản tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

Giảm thiểu các rào cản hành chính, đơn giản hóa và minh bạch hóa quy trình phê duyệt đầu tư để giúp các nhà đầu tư FDI nhanh chóng triển khai dự án. Thời gian đầu tư dài hơn mức bình thường và phù hợp với quy định của pháp luật để nhà đầu tư yên tâm.

Thứ ba, cần cải thiện hạ tầng công nghiệp và logistics. Quy hoạch đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn để xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt. Để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, với cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao của ngành chip bán dẫn như nguồn điện, nước ổn định và hệ thống xử lý môi trường tiên tiến.

Nâng cấp hệ thống logistics vì các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn yêu cầu chuỗi cung ứng nhanh và ổn định, giá dịch vụ hợp lý và có tính cạnh tranh. Việt Nam cần cải thiện hệ thống cảng biển, đường bộ và đường hàng không để giảm chi phí vận chuyển, tăng cường khả năng liên kết rộng khắp với các thị trường toàn cầu.

Thứ tư, hợp tác quốc tế và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần tăng cường quan hệ đối tác với các công ty lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Samsung và TSMC. Việc trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ sản xuất linh kiện mà còn phát triển công nghệ, sẽ là yếu tố thu hút FDI lâu dài.

Việc tiếp tục duy trì và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia lớn, đặc biệt là các quốc gia có nền công nghệ cao, sẽ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

Thứ năm, chuyển đổi số và phát triển môi trường kinh doanh thông minh. Chuyển đổi số trong quản lý và vận hành: Việt Nam cần ứng dụng công nghệ vào việc quản lý và vận hành hạ tầng công nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Chính phủ có thể thành lập các quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dành riêng cho lĩnh vực bán dẫn. Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải tiến và phát triển sản phẩm công nghệ cao ngay tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ thêm, ngành chip bán dẫn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi hiện nay không quá nhiều trường đại học ở Việt Nam đào tạo ngành này, một số trường mới bắt đầu đào tạo, đến 4 năm sau mới có nguồn nhân lực, không giải quyết được ngay thời điểm hiện tại để đáp ứng nguồn nhân lực. Và 4 năm nữa, khi lượng nhân sự được đào tạo xong, liệu nền kinh tế thay đổi hàng ngày có cần nữa hay không, đó là một bài toán cần cân nhắc.

Nhân lực bán dẫn đòi hỏi phải có kiến thức, tay nghề về bán dẫn, lao động phổ thông không thể làm. Đó là lý do vì sao một số nhà đầu tư đang chọn Malaysia, Indonesia, vì họ đáp ứng được yêu cầu nhân lực ngành công nghệ cao như chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo.

Tựu trung lại, Việt Nam có tiềm năng lớn để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, nếu biết tận dụng cơ hội thông qua cải thiện hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những biện pháp này không chỉ giúp Việt Nam duy trì tính cạnh tranh mà còn thúc đẩy ngành công nghệ cao phát triển bền vững.

(Theo Cát Lam FILI)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Nguyễn quang huy Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả