24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tywin Lannister
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làm thế nào để tránh bị đánh cắp, lừa đảo tiền số?

Chuyên gia khuyên nên nâng cao kiến thức bảo mật mạng, phân bổ tài sản nhiều ví lưu trữ và cảnh giác trước các đối tượng đáng ngờ.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, hơn 46.000 người đã mất hơn một tỷ USD cho các vụ lừa đảo tiền số kể từ đầu năm ngoái đến nay. Trước đó vào năm 2020, nền tảng mạng ảo riêng Atlas VPN cho biết thiệt hại về tiền số toàn cầu do bị hack đã vượt quá 3,8 tỷ USD. Hầu hết khoản mất mát này đều do các nền tảng giao dịch, nhà cung cấp dịch vụ ví và các doanh nghiệp có liên quan gánh chịu.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đưa ra cảnh báo, tội phạm mạng đang cố gắng kiếm tiền, tận dụng sức nóng của xu hướng ngân hàng di động và đầu tư tiền số.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, cơ quan này đã quan sát thấy những kẻ lừa đảo liên hệ các nhà đầu tư với những lời đề nghị về các dịch vụ đầu tư tiền số và thuyết phục họ tải xuống các ứng dụng di động giả mạo. Các ứng dụng không có thật này thường sử dụng tên và biểu tượng (logo) của các công ty hợp pháp tại Mỹ. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn tạo ra các trang web giả mạo với thông tin lừa các nhà đầu tư. Sau đó, nạn nhân sẽ bị lừa gửi tiền số vào một chiếc ví gắn với ứng dụng lừa đảo.

Khi một số nạn nhân cố gắng rút tiền của họ từ ứng dụng lừa đảo sẽ nhận được một email nhắc rằng phải trả thuế cho các khoản đầu tư của mình. Sau khi trả "thuế" như đề nghị, nạn nhân vẫn không thể rút được tiền số ra khỏi ứng dụng.

Tiền số đang nổi lên như một phương thức phổ biến để những kẻ lừa đảo lấy cắp tiền. Không có ngân hàng hoặc cơ quan tập trung nào khác kiểm soát các giao dịch đáng ngờ được thực hiện bằng tiền số. Việc chuyển tiền số không thể đảo ngược, có nghĩa là một khi tiền của bạn ra khỏi ví, nó sẽ biến mất hoàn toàn chứ không thể chuyển vào lại.

Theo FBI, mỗi người cần cảnh giác với những yêu cầu lạ về việc tham gia hoặc tải xuống các ứng dụng đầu tư, đặc biệt nếu bạn không biết hoặc chưa bao giờ gặp người mời bạn. Thực hiện các bước để xác minh danh tính của một cá nhân trước khi chuyển giao thông tin cá nhân của bạn cho họ.

Đảm bảo rằng ứng dụng hợp pháp trước khi tải xuống và xác nhận rằng công ty đứng sau ứng dụng đó thực sự tồn tại và cung cấp các dịch vụ tiền số. Bạn cần loại bỏ ngay các ứng dụng có tính năng bị hỏng hoặc hạn chế đáng ngờ.

Ngoài lừa đảo, rủi ro rõ ràng nhất mà những người nắm giữ tiền số phải đối mặt là bị đánh cắp. Theo thống kê của nền tảng bảo mật mạng Tessian, 96% các cuộc tấn công lừa đảo trong năm 2020 đến từ email. Gửi quà tặng hoặc tiền thưởng giả mạo thông qua các kênh truyền thông xã hội chính thức, đóng giả là nhân viên hỗ trợ khách hàng hoặc sao chép tài khoản xã hội của CEO sàn giao dịch là những phương thức lừa đảo phổ biến khác.

Giả sử hầu hết người dùng cá nhân đều giữ tiền số trên các nền tảng giao dịch, việc chọn một nền tảng đáng tin cậy chắc chắn là điều quan trọng hàng đầu.

Theo chuyên gia Bybit - một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới - hiện tại không có điểm chuẩn nào cho các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế hoặc xếp hạng từ cơ quan độc lập cho các nền tảng giao dịch trong ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số. Do đó, cần phải hiểu đúng cơ chế bảo mật của một nền tảng trước khi đăng ký, chẳng hạn như khoản đầu tư bảo mật hiện tại của công ty. Ngoài ra, điều quan trọng là phải kiểm tra xem có những loại bảo hiểm bảo mật tài khoản người dùng nào hay một số hình thức bồi thường được đảm bảo cho các vi phạm bảo mật hay không.

Phân chia tài sản theo tỷ lệ 70-20-10 cũng là một cách để đa dạng hóa rủi ro. Ngoài việc giao dịch trên các nền tảng bằng cách sử dụng tài khoản, các nhà giao dịch thường lưu trữ tài sản kỹ thuật số ngoại tuyến giống như việc giữ tiền mặt trong két sắt. Tài sản kỹ thuật số cá nhân, cho dù được lưu trữ trong ví cứng, bộ lưu trữ vật lý, ví trên máy tính để bàn hay ví ứng dụng di động đều được khuyến nghị phân bổ cho ví lạnh, ví ấm và ví nóng theo tỷ lệ 70%, 20% và 10% tài sản tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích cá nhân. Ví nóng luôn được kết nối với Internet, trong khi ví lạnh lưu trữ tài sản ngoại tuyến. Ví ấm được kết nối với Internet, nhưng giữ tiền trong kho lạnh.

Nếu là một người nắm giữ tiền số, chuyên gia Bybit cũng khuyên bạn nên làm quen với các rủi ro bảo mật cơ bản. Trong số đó, tấn công giả mạo là phổ biến nhất. Bạn nên trang bị kiến thức về các kỹ thuật "mồi chài" phổ biến, để tránh bị coi là "con cá" trong mắt "ngư ông".

Tiểu Gu

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả