menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Đức Hảo

Làm thế nào để quản trị lãi suất và dòng chảy của tiền một cách uyển chuyển?

Giá của hàng hóa được đo theo tiền, nhưng giá của tiền chính là lãi suất.

Khi lãi suất cao, người gửi tiền hưởng lợi nhưng người đi vay và tổng thể nền kinh tế sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi chi phí tài chính tăng, rủi ro nợ xấu cũng tăng còn tăng trưởng tín dụng sẽ trì trệ.

Quản trị lãi suất điều hướng dòng tiền

Giá của hàng hóa được đo theo tiền, nhưng giá của tiền chính là lãi suất. Khi lãi suất cao, người gửi tiền hưởng lợi nhưng người đi vay và tổng thể nền kinh tế sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi chi phí tài chính tăng lên, rủi ro nợ xấu cũng gia tăng còn tăng trưởng tín dụng sẽ trì trệ. Ngược lại, lãi suất thấp lại giúp các ngân hàng dễ kinh doanh hơn, khi ổn định được chi phí đầu vào, phát triển cho vay tốt hơn và hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Thực tế cho thấy nợ xấu đã có dấu hiệu tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2023, với tỷ lệ nợ xấu toàn ngành chỉ sau hai tháng đầu năm 2023 đã tăng lên mức 2,91% từ mức 2% vào cuối năm 2022. Báo cáo tài chính quí 1-2023 cho thấy 25/28 ngân hàng tăng nợ xấu so với đầu năm, trong đó có bảy ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 so với đầu năm chỉ mới đạt 3,36%. Đây là những tín hiệu cảnh báo đáng quan tâm.

Lãi suất cao cũng khiến hầu hết dòng tiền bị hút vào kênh tiền gửi ngân hàng như đã nói, khiến doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi muốn huy động ở các kênh tài trợ vốn khác như cổ phiếu hay trái phiếu. Hệ quả là chức năng của thị trường vốn bị hạn chế, dồn áp lực lên thị trường tiền tệ với tính bất định lớn hơn. Trái phiếu chính phủ phát hành mới cũng phải chịu lãi suất cao hơn để đảm bảo thành công.

Lãi suất cao cũng có thể đẩy các ngân hàng vào thế thua lỗ ở những khoản đầu tư có lãi suất cố định trước đây như trái phiếu chính phủ. Bài học từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) vào đầu năm nay là minh chứng rõ nhất, khi lấy vốn ngắn hạn nhạy với lãi suất đem đầu tư vào tài sản dài hạn có lãi suất cố định là trái phiếu chính phủ, rồi khi xu hướng lãi suất tăng nhanh phải chịu thua lỗ ở các danh mục đầu tư này, từ đó kích hoạt dòng tiền gửi rút ra hàng loạt dẫn đến mất thanh khoản.

Trước tình hình này, cộng thêm tăng trưởng kinh tế vẫn suy yếu trong khi chính sách tài khóa chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, dễ hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực kéo giảm lãi suất trở lại từ cuối quí 1-2023 đến nay, qua bốn lần giảm lãi suất điều hành và định hướng các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh đi đầu trong việc giảm lãi suất tiền gửi lẫn lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, động tác từ thắt chặt chuyển sang nới lỏng trở lại quá nhanh của nhà điều hành lại cũng gây nên không ít lo ngại gần đây, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc thậm chí tiếp tục nâng lãi suất, do những quốc gia này vẫn đang chật vật chống lạm phát vốn vẫn neo ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, có không ít kỳ vọng rằng lãi suất xuống mức thấp đang thúc đẩy dòng tiền dần dịch chuyển từ kênh ngân hàng trở lại các thị trường tài sản khác.

Có thể nói công tác quản trị lãi suất của NHNN luôn yêu cầu phải đảm bảo hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đó là chưa nói đến mục tiêu tỷ giá, dòng vốn đầu tư hay dự trữ ngoại hối. Đây cũng là thế lưỡng nan của cơ quan quản lý, khi chính sách tiền tệ đang phải cáng đáng quá nhiều mục tiêu và không ít trong số đó lại mâu thuẫn nhau.

Tuy nhiên, có lẽ chính sách tiền tệ vẫn chỉ nên ưu tiên tập trung vào giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng nội tệ để duy trì niềm tin, bằng cách kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp và xác lập lãi suất phù hợp theo biến số này hàng năm.

Còn với những nhà đầu tư hay người gửi tiền, họ kỳ vọng tỷ suất sinh lời hoặc lãi suất tiết kiệm sau khi trừ lạm phát tối thiểu phải cao hơn tăng trưởng GDP thực (GDP danh nghĩa trừ đi lạm phát) hàng năm.

Điều này lý giải vì sao lãi suất cuối năm 2022 lại tăng vọt lên như vậy. Ngoài những thông tin tiêu cực ảnh hưởng khi đó, thì với sự đứt gãy dòng vốn ở một số khu vực, lạm phát kỳ vọng cao và đặc biệt là tăng trưởng GDP năm 2022 lập kỷ lục đạt hơn 8%, người gửi tiền dĩ nhiên sẽ đòi hỏi lãi suất thực tối thiểu phải bằng mức 8% này.

Do đó, lãi suất thực khi đó cao. Nhưng nếu so với tăng trưởng GDP thì cũng chỉ ở mức tương đối. Bước sang quí 1-2023, việc GDP suy yếu chỉ còn tăng 3,32% so với cùng kỳ, lạm phát kỳ vọng giảm, đã góp phần tạo điều kiện cho chính sách kéo giảm lãi suất mà người gửi tiền cũng dễ chấp nhận hơn.

Chính vì vậy, ở góc độ nhà điều hành, chính sách điều hành lãi suất có lẽ sẽ vừa dựa trên xu hướng lạm phát, lạm phát kỳ vọng tại từng thời điểm, vừa xem xét đến yêu cầu tỷ suất sinh lời của người gửi tiền căn cứ trên tăng trưởng kinh tế định kỳ, cũng như khả năng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp có thể chấp nhận được, nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền và người đi vay, cũng như hướng đến giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Sức mạnh của lãi kép

“Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những ai hiểu được nó từ đó sẽ kiếm được tiền, ai không hiểu sẽ phải trả chi phí cho điều đó”, đó là câu nói của Albert Einstein – một thiên tài khoa học đã sớm nhận biết được sức mạnh của lãi kép. Về cơ bản, lãi kép đơn giản chính là “lãi trên tiền lãi” giúp cho tiền tăng lên với tốc độ cao hơn so với lãi đơn, sự bổ sung tiền lãi vào vốn ban đầu được gọi là tính lãi kép hay nhập vốn.

Với những người gửi tiết kiệm, ắt hẳn ai cũng biết về quy tắc 72 (rule of 72) để tính toán nhanh số năm cần thiết nhân đôi số tiền của mình với lãi suất cố định hàng năm. Một cách đơn giản, chúng ta lấy số 72 chia cho mức lãi suất thì sẽ ra số năm để tiền gửi của chúng ta tăng lên gấp đôi. Ví dụ, khi bạn gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng vào ngân hàng với lãi suất 6%/năm, bạn sẽ cần 12 năm để chứng kiến tiền của mình tăng lên thành 2 tỉ đồng; với lãi suất 8%/năm sẽ cần chín năm; còn nếu lãi suất tăng lên 10%/năm, bạn chỉ cần 7,2 năm.

Ngoài ra, quy tắc này cũng có nhiều lợi ích khác, như có thể được sử dụng để tìm khoảng thời gian cần thiết mà giá trị của tiền giảm một nửa do lạm phát, quy mô nền kinh tế hoặc dân số bao nhiêu năm sẽ tăng lên gấp đôi. Cụ thể, nếu lạm phát hàng năm là 4%, sức mua của đồng tiền sẽ giảm xuống còn một nửa trong khoảng 18 năm (72/4 = 18). Nếu tăng trưởng kinh tế có thể duy trì 6% mỗi năm, sẽ cần 12 năm để quy mô nền kinh tế tăng lên gấp đôi. Hoặc với tốc độ tăng trưởng dân số của quốc gia là 1%/năm, dân số sẽ tăng lên gấp đôi sau 72 năm.

Dĩ nhiên để tính toán thực chất hơn trong bài toán gửi tiết kiệm, chúng ta cần phải sử dụng lãi suất thực, tức lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát hàng năm. Theo cách tính trên, với lãi suất danh nghĩa 6%/năm, bạn cần 12 năm để tiền gửi tiết kiệm tăng gấp đôi nhưng với lạm phát 4%, sức mua của tiền cũng giảm chỉ còn một nửa trong 18 năm. Bây giờ nếu chúng ta tính theo lãi suất thực là 2%/năm (=6%-4%), thời gian thực tế mà tiền tiết kiệm tăng gấp đôi đã lên tới 16 năm (=72/2).

Vào giai đoạn cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng tăng lên tới 10% hoặc thậm chí 12%, gần gấp đôi so với năm trước. Theo đó, nếu gửi dài hạn thì số năm để tiền gửi của khách hàng tăng lên gấp đôi đã rút ngắn xuống chỉ còn một nửa. Điều đó lý giải vì sao dòng tiền ồ ạt chạy vào ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trở nên rủi ro hơn và trầm lắng hơn.

Có lẽ chính sách tiền tệ vẫn chỉ nên ưu tiên tập trung vào giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng nội tệ để duy trì niềm tin, bằng cách kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp và xác lập lãi suất phù hợp theo biến số này hàng năm.

Ngoài ra, lạm phát trong năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, mục tiêu kiểm soát năm 2023 là 4,5%. Có thể thấy với mức lãi suất 10-12% tại thời điểm đó, lãi suất thực cao như thế nào! Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gần đây cũng nhiều lần cho rằng “Lạm phát thì thấp nhưng lãi suất thì cao, chênh lệch lãi suất huy động với lạm phát lớn chưa kể đến lãi suất cho vay nên doanh nghiệp càng khó khăn” hoặc “Lạm phát năm ngoái có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9%/năm thì vô lý quá”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại