Làm thế nào để “giải cứu” đường sắt?
Kể từ năm 1955 đến nay, đây là thời điểm khó khăn nhất của đường sắt, hàng trăm người lao động bỏ việc bởi thiếu việc làm, thu nhập thấp. 25 ngàn lao động đường sắt đang đứng trước thử thách tồn tại hay không tồn tại
Hơn 1 năm nay hàng ngàn lao động kinh doanh vận tải phải thay nhau nghỉ vì đại dịch Covid-19 khách đi tàu ít, phải bãi bỏ tàu. Trong khi đó hơn 11 ngàn lao động tại 20 công ty hạ tầng dù ngân sách đã cấp kinh phí nhưng vẫn bị nợ lương, thiếu tiền mua vật tư để bảo trì hệ thống cầu đường, thông tin tín hiêu (TTTH) vốn đã quá cũ kỹ, lạc hậu.
Nguyên nhân ngành đường sắt kêu cứu?
Thực ra không phải bấy giờ mà, kể từ tháng 11 năm 2018 khi chuyển Tổng công ty ĐSVN từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp các bên liên quan đã không chuẩn bị kỹ về hành lang pháp lý cho mô hình quản lý mới. Đã 3 năm nay, "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia" do Bộ GTVT chủ trì đã không tìm được sự đồng thuận cao.
Mới đây, ngày 12/4/2021 Tổng công ty ĐSVN đã có công văn Kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "Đề xuất của Bộ GTVT đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống GTVT". Trước đó, ngày 22 tháng 1 năm 2021, Bộ Tư pháp đã có công văn 193/BTP-PLDSKT gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐSQC).
Văn phòng Chính phủ trong 4 tháng đã có 3 lần có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, trong đó mới đây còn ghi rõ "Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại văn bản nêu trên khẩn trương hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (đề án) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" (Công văn 908/VPCP-CN ngày 4/2/2021).
Đến giờ, sau 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ nhưng Đề án của Bộ GTVT chủ trì vẫn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty ĐSVN một chủ thể liên quan cũng 5 lần, 7 lượt "kêu cứu". Thậm chí có lần ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty ĐSVN còn lên tiếng "dọa" dừng tàu do không có kinh phí trả lương mua vật tư, trả lương cho người lao động.
Điều đầu tiên, người ta ngạc nhiên là với một đề án không quá lớn như nói trên có đến 8 bộ cùng tham gia gồm: Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận.Trước hết, "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư" sẽ bị chi phối bởi Luật Đường sắt năm 2017 (luật chuyên ngành), Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và các nghị định, thông tư khác.
Sở dĩ có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng luật bởi ĐSVN đang được tồn tại theo kiểu "không giống ai" trên thế giới. Nên khi được giao chủ trì xây dựng đề án, Bộ GTVT cũng đã khẳng định, trên thế giới có thể thấy không có mô hình chung, mỗi nước có mô hình tổ chức quản lý, khai thác tài sản KCHTĐS khác nhau. Các chức năng quản lý, khai thác, kinh doanh, bảo trì KCHTĐS được các quốc gia phân chia cho các cơ quan khác nhau.
Trước đây, đơn cử việc quản lý, kinh doanh KCHTĐS quốc gia Trung Quốc theo mô hình quản lý khép kín. Tuy nhiên, đến năm 2014 Chính phủ Trung Quốc quyết định thay đổi mô hình như sau: Xóa Bộ Đường sắt Trung Quốc, thành lập Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc là doanh nghiệp thực hiện chức năng kinh doanh đường sắt của Bộ Đường sắt Trung Quốc trước đây.
Như vậy, cần phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia và đặc biệt là điều kiện cụ thể của từng đường sắt để lựa chọn mô hình tổ chức quản lý, khai thác tài sản KCHTĐS phù hợp, có hiệu quả nhất.
Những câu hỏi lớn ngành đường sắt chờ câu trả lời
Khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đang loay hoay tìm lời giải cho câu hỏi: Cục Đường sắt và Tổng công ty ĐSVN, đơn vị nào sẽ được giao quản lý tài sản KHCTĐS quốc gia? Đơn vị nào sẽ được giao kế hoạch và dự toán chi ngân sách nhà nước cho công tác bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia trực tiếp từ Bộ GTVT? Ai sẽ quản lý các dự án đầu tư phát triển KCHTĐS sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư? Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong vấn đề này được hiểu như thế nào?
Trước hết, đây là phát sinh trong quá trình trong quá trình thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Khác với nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý nhà nước tại doanh nghiệp thì hàng năm các doanh nghiệp hàng không, đường sắt được ngân sách nhà nước cấp kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng.
Vốn vướng mắc xuất phát từ Tổng công ty ĐSVN không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, hàng loạt phát sinh về hành lang pháp lý, thậm chí Bộ GTVT đã có văn bàn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển Tổng công ty ĐSVN quay lại Bộ.
Điều khá ngạc nhiên là sau khi Bộ GTVT rút lại đề nghị chuyển Tổng công ty ĐSVN từ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ GTVT thì vấn đề giao cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty ĐSVN quản lý tài sản, dự toán chi ngân sách cho công tác bảo trì tài sản KCHTĐS mới trở nên hay gắt hơn bao giờ hết.
Tranh cãi pháp lý?
Điều khá ngạc nhiên khi ĐSVN tổ chức theo mô hình Liên hiệp (cả chức năng kinh doanh lẫn quản lý nhà nước) hay tổng công ty 91 (trực thuộc Chính phủ) đều không phải là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT nhưng mọi việc vẫn diễn ra bình thường, được đánh giá nhanh gọn, hiệu quả vì bớt cấp trung gian.
Đến nay, sau 3 năm với hàng chục cuộc họp và Bộ GTVT 4 lần trình văn bản, Bộ Tài chính 2 lần, Bộ Tư pháp 3 lần, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 2 lần, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ mỗi bộ đều có 1 lần đề xuất, kiến nghị nhưng do có nhiều ý kiến trái chiều nên đến nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ngoài Tổng công ty ĐSVN đã có hàng chục văn bản phản đối thì mới đây ngày 22 tháng 1 năm 2021, Bộ Tư pháp đã có công văn 193/BTP-PLDSKT gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có khá nhiều quan điểm trái ngược với Bộ GTVT (dưới góc độ pháp lý). Chúng tôi sẽ cùng với các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, luật sư phân tích sâu hơn về vấn đề này trong các số báo tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận