Làm sứ giả hòa bình Trung Đông, ông Trump sẽ hái quả ngọt ở bầu cử Tổng thống?
Chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và thế giới Ả-rập là chìa khóa để ông Trump tạo dựng lợi thế trước cuộc bầu cử tháng 11.
Nước Mỹ chìm trong mớ hỗn độn trước bầu cử.
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành và để lại hậu quả khủng khiếp cho nước Mỹ, trong khi nội bộ Mỹ đầy rẫy mâu thuẫn, các phe cánh liên tục đưa ra những chỉ trích, cáo buộc giành cho nhau nhằm hạ uy tín đối phương để, giành lợi thế trước bầu cử.
Giữa mớ hỗn độn đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện bước đi gây bất ngờ cho chính người Mỹ và cộng đồng quốc tế. Quốc gia này đóng vai trò tích cực, làm trung gian hòa giải cho mối quan hệ giữa Israel và các nước Ả-rập như là UAE và Bahrain. Ông Trump ca ngợi đây là “bước đột phá lớn” và “thỏa thuận hòa bình lịch sử” hướng tới hòa bình ở Trung Đông, cho rằng việc mở đối thoại trực tiếp và quan hệ giữa Israel và các nước Ả-rập sẽ hỗ trợ quá trình chuyển hóa ở Trung Đông và gia tăng ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Bước đi này được cho là chủ ý về đối ngoại của ông Trump nhằm tranh thủ phiếu bầu từ những cử tri Do Thái - nhân tố đóng vai trò quan trọng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong những nhiệm kỳ gần đây.
Để làm rõ hơn về vai trò của Mỹ cũng như những toan tính của ông Trump trong việc làm trung gian hòa giải giữa Israel và thế giới Ả-rập, tạo dựng chiến thắng về đối ngoại, giành lợi thế trước thềm bầu cử tháng 11 tới đây, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ tại một số nước Trung Đông, Uỷ viên Hội đồng Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam.
Chìa khóa thắng cử của Trump
- Gần đây, Mỹ liên tục thể hiện vai trò trung gian hòa giải mối quan hệ của các nước Trung Đông, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. Điều này nằm trong chủ ý của Mỹ, thưa ông?
Việc chính quyền Mỹ tăng cường vận động các nước Ả-rập bình thường hóa quan hệ với Israel trong thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do.
Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump cần một thắng lợi về đối ngoại, tạo cú huých để bước vào cuộc bầu cử một cách tự tin hơn. Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra gay gắt, quyết liệt, giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, ông Trump cần sự ủng hộ của cử tri để giành chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Thứ hai, ông Trump muốn hướng lái dư luận, đẩy sự chú ý của cử tri Mỹ ra bên ngoài. Trong nước, ông Trump đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bị chỉ trích liên quan đến việc để dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng. Nền kinh tế Mỹ bị suy thoái, đang lâm vào cuộc khủng hoảng lớn nhất, chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng 1929-1933. Ngoài ra, đó là sự phản đối liên quan đến chính sách dân tộc và tôn giáo… Do đó, ông Trump muốn đẩy sự chú ý của cử tri ra bên ngoài bằng chiến thắng về mặt ngoại giao khi đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và các nước Ả-rập.
Thứ ba, thực hiện cam kết của ông Trump khi trở thành Tổng thống Mỹ. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump cam kết sẽ mang lại hòa bình cho Trung Đông trong nhiệm kỳ của mình. Động thái này cũng một phần nhằm thể hiện lời hứa của ông đối với cử tri Mỹ.
Ngoài ra, việc Tổng thống Trump sốt sắng đẩy nhanh bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Ả-rập nhằm cứu vãn sáng kiến hòa bình Trung Đông, hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” có nguy cơ đổ vỡ khi thỏa thuận này con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner đề xuất không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
- Bước đi của chính quyền Mỹ hiện nay là nhằm phục vụ cho chiến lược tranh cử của ông Trump?
Tất cả những hoạt động của Donald Trump hiện nay đều tập trung vào lá phiếu của cử tri, ưu tiên cho cuộc bầu cử vào ngày 3/11. Không phải ngẫu nhiên mà trong vòng chưa đầy 10 ngày, ông Trump cử 2 đoàn cấp cao Mỹ đến Trung Đông. Đầu tiên là đoàn Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tiếp đó là đoàn con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner đến khu vực này vận động cho việc bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả-rập.
Tất cả những động thái này của ông Trump nhằm tranh thủ giới “lobby” (vận động hành lang) người Do Thái - giới này có ảnh hưởng tại Quốc hội Mỹ. Hơn nữa, ông Trump muốn lấy lòng cử tri Do Thái nói chung, vốn có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Mỹ.
Giải quyết được vướng mắc bấy lâu nay trong quan hệ giữa Israel và các nước Ả-rập, ông Trump sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn của thế giới người Do Thái. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump thực hiện một loạt chính sách nghiêng hẳn về phía Israel khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Cao nguyên Golan thuộc về Israel, sáp nhập bờ Tây sông Jordan, ủng hộ giải pháp một nhà nước…
“Con bài” bình thường hóa quan hệ giữa Israel với thế giới Ả-rập được coi là chìa khóa cho sự thành bại của ông Trump trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới đây. Nghị sĩ Na Uy Christian Tying-Gjedd đã đề cử ông Trump cho giải Nobel hòa bình 2021 vì đã đóng góp quan trọng cho việc đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE. Đây là sự ủng hộ tinh thần rất lớn cho ông Trump trước thềm bầu cứ tới đây.
Không chỉ ông Trump mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, kinh tế giảm sút, thất nghiệp lan rộng, đảng Likud cầm quyền ngày càng mất uy tín… Trong bối cảnh này, việc bình thường hóa với các nước Ả-rập được coi là cứu cánh với ông Netanyahu. Vì thế ông Trump và ông Netanyahu cố gắng để đạt được thỏa thuận hòa bình.
- Nếu không kể đến chiến lược tranh cử, việc tạo ra sự hòa hảo này có lợi gì cho Mỹ, thưa ông?
Sau khi lên nắm quyền, chiến lược của Tổng thống Donald Trump là giảm bớt can dự của Mỹ ở nước ngoài, nhất là ở Trung Đông. Theo ông Trump, việc Mỹ sa lầy vào những cuộc chiến ở nước ngoài là vô nghĩa, khiến Mỹ chịu nhiều tổn thất về người và của.
Để thực hiện điều này, ông Trump tuyên bố rút quân Mỹ tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Trung Đông, ông đã chỉ đạo giảm quân Mỹ hiện diện trên chiến trường Afghanistan, Iraq, giảm bớt can dự với các cuộc xung đột ở khu vực như ở Yemen, tăng cường áp đặt các lệnh cấm vận với Iran,... Tất cả những điều này đều nắm trong chiến lược của ông Trump.
Việc đẩy nhanh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Ả-rập là việc cần làm gấp, phục vụ cho chiến tranh cử, lấy lòng cử tri. Do đó, ông Trump tỏ ra rất sốt sắng, bằng mọi cách phải có kết quả, thắng lợi để đem lại lợi thế cho ông trước thềm bầu cử.
Tuy nhiên, động thái này của Mỹ cũng nằm trong chiến lược lâu dài của ông Trump đối với khu vực, hướng tới hiện thực hóa cam kết mang lại hòa bình cho Trung Đông của ông Trump. Bước đi này nằm trong sáng kiến hòa bình của ông Trump, còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” được đưa ra tháng 1/2020. Tuy nhiên, hầu hết các nước Ả-rập không hoan nghênh, cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc không tán thành sáng kiến này.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump rất coi trong khu vực Trung Đông. Điều này cũng đã được thể hiện ngay khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã chọn Trung Đông (Ả-rập Xê-út, Israel) làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị ông chủ Nhà Trắng.
“Con bài” bình thường hóa quan hệ giữa Israel với thế giới Ả-rập được coi là chìa khóa cho sự thành bại của ông Trump trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới đây. Đại sứ Nguyễn Quang Kha
Khó có hòa bình cho Trung Đông
- Trong tương lai Mỹ có còn gây thêm bất ngờ nào ngoài việc đóng vai trò trung gian hòa giải Israel - UAE và Israel - Bahrain, thưa ông?
Sắp tới, có thể sẽ có thêm một số nước vùng Vịnh thiết lập quan hệ với Israel. Bởi vì, việc UAE, Bahrain - 2 thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lập quan hệ với Israel chắc chắn có sự đồng thuận nhất định của tổ chức này, các nước này không thể làm điều đó một cách riêng rẽ.
Việc UAE, Bahrain nhanh chóng đạt thỏa thuận hòa bình với Israel theo tiếng gọi của Mỹ là xuất phát từ việc hai nước này có rất nhiều vấn đề với Iran. UAE lo ngại Iran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, trong khi UAE lại nằm ngay sát sườn với Iran sẽ là mối đe dọa với nước này.
Còn Bahrain, phần lớn dân số theo Hồi giáo dòng Shiite, chính quyền Bahrain lo ngại Iran sẽ sử dụng những người này để mở rộng ảnh hưởng ở nước này.
Vì thế, hai nước này đi đầu trong việc đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump và Israel. Động lực chính của UAE, Bahrain là muốn tranh thủ bình thường hóa quan hệ với Israel, thiết lập mặt trận gây sức ép lên Iran. Chính Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Trung Đông vừa qua đã tuyên bố, việc đạt được thỏa thuận hòa bình này là nhằm thiết lập liên minh chống Iran.
Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận hòa bình giữa UAE, Bahrain với Israel không có nghĩa là mọi việc sau đó đều diễn ra suôn sẻ. Nhiều nước Ả-rập khác chưa sẵn sàng bình thường hòa quan hệ với Israel, cho rằng quan hệ với Israel phải dựa trên sáng kiến hòa bình Ả-rập năm 2002. Tức là bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả-rập chỉ được thực hiện sau khi có giải pháp cho xung đột Palestine và Israel, thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Đặc biệt, Palestine - bên trong cuộc, song đã bị gạt ra ngoài trong thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Ả-rập. Palestine, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Hồi giáo… đã phản đối rất mạnh mẽ thỏa thuận này. Nhiều nước trên thế giới hoan nghênh nhưng kiên quyết chủ trương giải quyết xung đột Palestine và Israel trên cơ sở hai nhà nước cùng tồn tại.
Những thỏa thuận này mới chỉ là trên giấy, việc thực hiện trên thực tế không hề dễ chút nào. Trong quá khứ, nhiều thỏa thuận được đề ra nhưng không thực hiện được.
- Việc bình thường hóa quan hệ giữa UAE, Bahrain với Israel liệu có đem lại hòa bình cho Trung Đông không, thưa ông?
Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE, Bahrain với Israel không thể đem lại hòa bình cho khu vực. Trước đây, các thỏa thuận hòa bình đã có tiền lệ như thỏa thuận Israel - Ai Cập ký năm 1979, Israel - Jordan ký năm 1994, đến nay vẫn không có hòa bình giữa thế giới Ả-rập và Israel.
Hòa bình chỉ có thể đạt được trên cơ sở luật pháp quốc tế, tức là các nghị quyết của Liên hợp quốc, giải pháp hai nhà nước - thành lập nhà nước Palestine độc lập, bên cạnh nhà nước Israel, và trên cơ sở sáng kiến hòa bình Ả-rập năm 2002.
Nếu thực hiện tất cả những vấn đề này thì mới có hòa bình, đạt được giải pháp công bằng cho cuộc xung đột hiện nay giữa Palestine và Israel. Một thỏa thuận ở Trung Đông mà không có sự tham gia của Palestine - bên chính yếu trong cuộc xung đột, thì không thể có hòa bình.
Hiện nay, mặc dù đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Israel và một số nước Ả-rập nhưng không ngoại trừ khả năng sẽ có thêm những cuộc xung đột mới. Nhiều nước trong khu vực phản đối thỏa thuận hòa bình này.
Bên cạnh đó, việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Ả-rập sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị tại Trung Đông. Giờ đây, sẽ có liên minh mới mà trước đến nay chưa có - liên minh giữa Israel và các nước vùng Vịnh, để chống Iran.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine… cũng đang tập hợp lực lượng, để phản đối thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Ả-rập, chống lại hành động của chính quyền Mỹ và Israel.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận