Làm sao để xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn?
Trong khi một số doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, thậm chí chủ doanh nghiệp đã xuất cảnh ra nước ngoài thì các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay với định nghĩa: Thế nào là “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”?
Cứ mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, chủ “biến mất” là hàng trăm, hàng nghìn lao động lại khốn khổ vì bị nợ lương, nợ BHXH, BHYT, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Chủ mất tích, công nhân khốn đốn
Tại Đồng Nai, nhiều năm qua, tình trạng chủ doanh nghiệp nợ BHXH rồi bỏ trốn đang trở thành mối lo ngại lớn của địa phương. Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho hay, mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp song tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn khi đang còn nợ BHXH vẫn xảy ra. Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh đã phải thực hiện giải pháp tạm thời là cấm xuất cảnh một số chủ doanh nghiệp nợ BHXH lớn.
Trong thực tế, có những doanh nghiệp nợ BHXH do nguyên nhân bất khả kháng như kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền BHXH của người lao động rồi bỏ trốn. Có những doanh nghiệp đã giải thể, phá sản như: Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) nợ hơn 16,4 tỉ đồng; Công ty TNHH Lava Land (TP Biên Hòa) nợ 488 triệu đồng; Công ty TNHH Tosca Vina (KCN Biên Hòa 2) nợ 480 triệu đồng; Công ty LD Lenex sản xuất vật liệu và thiết bị xây dựng (KCN Biên Hòa 1) nợ 897,2 triệu đồng; Công ty TNHH Kwang Sung Việt Nam (KCN Tam Phước) nợ 724,9 triệu đồng; Công ty TNHH Duballo Việt Nam (TP.Biên Hòa) nợ hơn 716 triệu đồng; Công ty TNHH Tân Chimei (TP Biên Hòa) nợ 490 triệu đồng…
Ông chủ của Công ty TNHH KL Texwell Vina (Đồng Nai) bỏ trốn khiến người lao động lao đao (Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)
Tại Bình Định, nhiều tháng nay, ông chủ người Ấn Độ của Công ty CP đường Bình Định (Công ty Bisuco, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã không còn liên lạc được, khiến người lao động rất lo lắng. Theo ông Trần Văn Đồng- Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Bisuco, hồi tháng 7/2018, lãnh đạo Bisuco thông báo cho toàn thể người lao động tạm nghỉ, trong khi các chế độ vẫn chưa được giải quyết. Hiện Công ty Bisuco đang nợ lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc và BHXH của 327 người lao động với hơn 19 tỉ đồng. Trong khi các ngành chức năng còn đang loay hoay tìm biện pháp thì hàng trăm người lao động lâm cảnh dở khóc dở mếu, không biết đòi nợ ở đâu.
Tại TP HCM, tình trạng này cũng không kém phần bi đát. Điển hình là việc Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi) nợ BHXH hơn 28 tỉ đồng kéo dài nhiều năm và chủ bỏ ra nước ngoài. Mặc dù vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý hình sự nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cần xác định rõ khái niệm chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 28 (khóa XI), đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ thực trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn đang diễn ra trên địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, thủ tục để xác định thế nào là chủ bỏ trốn vẫn còn rất khó khăn, chủ bỏ đi đồng nghĩa với công nhân bị nợ lương, nợ BHXH. "Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng tìm mọi cách để bảo vệ người lao động như đóng tiền BHXH cho những trường hợp nữ mang thai, để họ được hưởng chế độ thai sản. Thậm chí, còn phải nộp cả phần lãi do doanh nghiệp nộp chậm tiền đóng BHXH…"- lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố cho biết.
Chính vì vậy, Liên đoàn Lao động kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Khoản 7, Điều 10 của Luật BHXH năm 2014 (biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết), nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động, nhất là người lao động ở các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn được coi là vấn đề thời sự. Vấn đề giải quyết tài sản trong những trường hợp này hiện còn rất nhiêu khê. Vì vậy, theo ông Hải, các ngành liên quan cần kiến nghị Thủ tướng ban hành quy định giải quyết tổng thể thực trạng này; trong đó có việc kiến nghị khôi phục Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế…
Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích thêm: Năm 2009, khi hiện tượng chủ doanh nghiệp "bỏ đi không hẹn ngày trở lại" rộ lên, Thủ tướng đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg. Tại Điều 2 của quyết định này có ghi "đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009…". Như vậy, quyết định có nhắc đến "chủ doanh nghiệp bỏ trốn", nhưng tiêu chí như thế nào là "chủ doanh nghiệp bỏ trốn" thì cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào định nghĩa cụ thể. Đồng thời, cũng chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.
Đây chính là "điểm thắt", khiến hàng ngàn người lao động bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi (việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT...), đòi hỏi pháp luật phải có sự điều chỉnh, nhằm đưa ra những tiêu chí cụ thể về việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Chẳng hạn, trong vòng bao nhiêu ngày người đại diện của doanh nghiệp vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho người khác hoặc các cơ quan chức năng đã có thông báo công khai mà chủ doanh nghiệp không có phản hồi thì được xem là "chủ doanh nghiệp bỏ trốn". Khi đó, cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo luật định để trả lương, BHXH, BHYT cho người lao động. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho người lao động hoặc tổ chức Công đoàn khởi kiện, yêu cầu phá sản doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận