Làm sao để tránh bị “lùa gà” trên thị trường chứng khoán
“Lùa gà” hiểu đơn giản là việc nhà đầu tư nghe theo những lời mời chào, xúi giục của những hội nhóm, room chat “phím hàng” cổ phiếu hay đơn giản thì là việc nghe theo những nhận định thị trường của những người có sức ảnh hưởng lớn như người nổi tiếng, các chuyên gia tài chính, hay thậm chí có thể là những người làm trong các cơ quan quản lý nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp, phát ngôn với tư cách cá nhân.
Để tránh trở thành nạn nhân bị “lùa gà”, bạn cần phải thực sự tỉnh táo suy xét, tìm hiểu kỹ về người tư vấn, chuyên gia mà bạn dự định đặt niềm tin: (1) Người ấy có đủ năng lực và kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên, tư vấn?; (2) Người ấy có thực sự độc lập khách quan khi đưa ra lời khuyên, tư vấn đó hay không?
1. Năng lực kinh nghiệm
Trừ những chuyên gia kinh tế, những thành viên trong các cơ quan quản lý nhà nước, những người mà nhà đầu tư có thể đã quen trên các mặt báo kinh tế hàng ngày, những người còn lại tự xưng là “chuyên gia”, thường hoạt động theo các hội nhóm chứng khoán đều cần phải thẩm định kỹ về năng lực kinh nghiệm trước khi đặt niềm tin. Theo quy định của Luật chứng khoán Việt Nam hiện hành, chỉ những người làm trong các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp thì mới được tư vấn đầu tư chứng khoán (khuyến nghị nhà đầu tư mua bán nắm giữ các loại chứng khoán). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ của thế giới, tuy nhiên, việc thực thi còn có sự khác biệt khá lớn giữa Việt Nam với những thị trường tài chính phát triển. Ở Mỹ, dưới sự quản lý của ủy ban chứng khoán (SEC), tất cả những người hành nghề chứng khoán đều phải được cấp giấy phép, danh sách người hành nghề, tình trạng về năng lực kinh nghiệm, những vi phạm quy định trong ngành, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều được công khai.
Những nhà đầu tư mới tham gia thị trường có thể tham khảo trên trang thông tin investor.gov để được hướng dẫn cụ thể các bước thẩm định nhà môi giới, tư vấn đầu tư cho mình.
Ngược lại, ở Việt Nam, ai cũng có thể “phím hàng” cổ phiếu, nhất là trong giai đoạn thị trường bùng nổ hoặc phục hồi mạnh, và rất khó để xử phạt những hành vi xúi giục mua bán của các hội nhóm, room chat như vậy. Giải pháp duy nhất là nhà đầu tư tự bảo vệ lợi ích của chính mình bằng việc xem xét kỹ năng lực kinh nghiệm của người tư vấn: Họ có phải là nhân viên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được cấp chứng chỉ hành nghề hay không (nhà đầu tư có thể kiểm tra danh sách danh sách người hành nghề chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố). Nếu câu trả lời là không thì nhà đầu tư đang tự làm tăng thêm rủi ro không đáng có cho khoản đầu tư của mình.
2. Tính độc lập khách quan
Rất khó để đánh giá tính độc lập khách quan của một nhận định, khuyến nghị, thay vì thế, nhà đầu tư có thể đánh giá dựa trên các khía cạnh ảnh hưởng tới tính độc lập khách quan:
- Vị trí mà người đưa ra quan điểm đang đảm nhiệm: Điều này có thể ảnh hưởng tới tính độc lập khách quan nếu như người đưa ra quan điểm nằm trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp, là người hiểu rõ nhất sức khỏe của doanh nghiệp, có sức ảnh hưởng và quyết định lên định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp này, hãy nhìn vào cách họ hành động thay vì chỉ nghe họ nói.
- Vị thế mà người đưa ra quan điểm đang nắm giữ: Việc đang nắm giữ vị thế một cổ phiếu, ngành nào đó là yếu tố ảnh hưởng tới góc nhìn về tính độc lập khách quan đối với nhận định, khuyến nghị về cổ phiếu, ngành đó. Một chuyên gia trên thị trường sẽ hành xử chuyên nghiệp bằng cách bổ sung tuyên bố trách nhiệm trong bài phân tích, khuyến nghị của mình về việc anh ta có đang nắm giữ vị thế cổ phiếu, ngành nào được đề cập trong bài phân tích đó hay không. Đây là thông lệ phổ biến trên thị trường, tuy nhiên hầu hết những người tự nhận mình là “chuyên gia” sẽ không đưa ra tuyên bố nào như vậy. Trường hợp này, trước khi nghe theo khuyến nghị, hãy tìm hiểu kỹ vị thế mà người đó đang nắm giữ.
- Những lợi ích từ việc đưa ra quan điểm: Nếu người đưa ra quan điểm là chuyên gia thuộc một tổ chức phân tích độc lập (ví dụ: phòng phân tích thuộc công ty chứng khoán, chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức nghiên cứu thị trường), không phải là một bên mua bán hoặc không thu lợi từ giao dịch của nhà đầu tư, thì nhận định, khuyến nghị sẽ được đánh giá là có tính độc lập khách quan hơn so với những bộ phận có xung đột về mặt lợi ích (chuyên viên môi giới đương nhiên muốn nhà đầu tư giao dịch càng nhiều càng tốt). Trường hợp này, hãy tìm hiểu kỹ việc đưa ra tư vấn, khuyến nghị sẽ đem lại lợi ích gì cho người đưa ra quan điểm. Hãy luôn nhớ một nguyên tắc của nền kinh tế thị trường “không có bữa trưa nào miễn phí”.
Việc thẩm định người tư vấn không đảm bảo sự thành công của khoản đầu tư nhưng nó sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế tối đa trở thành nạn nhân bị “lùa gà” trên thị trường chứng khoán, gặp phải những rủi ro không đáng có, phi thị trường, mất tiền oan uổng đồng thời mất cả niềm tin vào vẻ đẹp của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận