24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thị Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làm sao để minh bạch thị trường trái phiếu?

Các vụ bắt tạm giam và khởi tố các cá nhân liên quan đến phát hành, giao dịch cổ phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, khiến câu hỏi về minh bạch thị trường này đang được đặt ra.

Quy định đã có

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm qua khá sôi động. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN, SSC), trong năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt gần 600 nghìn tỉ đồng.

Về giá trị phát hành, nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm.

Đáng chú ý là trên thị trường, tỷ lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng cao, và còn tồn tại phổ biến loại hình trái phiếu doanh nghiệp “3 không”, tức không tài sản đảm bảo - không xếp hạng tín nhiệm - không bảo lãnh thanh toán được nhiều đơn vị phát hành rồi nhóm mua phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân.

Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế. Về phía cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Năm 2021, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo và yêu cầu thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ phát hành riêng lẻ.

Gần nhất, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Dự thảo này bổ sung nhiều nội dung mới như bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu, đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hay NHNN cũng ban hành Thông tư 16/2021, thay thế Thông tư số 22/2016 và Thông tư số 15/2018 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư 16 thể hiện rất rõ thông điệp, yêu cầu tổ chức chính dụng đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch.

Mới đây, SSC đã có quyết định hủy các đợt phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh do “che giấu, công bố thông tin sai sự thật”.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, với sự kiện đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi một nhóm công ty đã bị buộc phải thu hồi trái phiếu đã phát hành với giá trị lên tới 10.500 tỷ đồng, căn cứ pháp lý của chúng ta ở đâu, thì có thể tham chiếu Nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ, hướng dẫn luật chứng khoán, liên quan đến xử phạt các hành vi trên thị trường chứng khoán.

Minh bạch ra sao?

Bên cạnh đó, theo ông Phan Lê Thành Long, cần phân biệt rõ phát hành trái phiếu riêng lẻ là phát hành cho một số ít nhà đầu tư, còn phát hành trái phiếu ra công chúng là tất cả mọi người đều có thể đăng ký mua và điều kiện hay tính minh bạch, tính giám sát của các cơ quan chức năng đối với phát hành trái phiếu ra công chúng chặt chẽ hơn rất nhiều. Đó cũng là lý do tại sao hiện nay tỷ lệ phát hành trái phiếu ra công chúng rất thấp, chỉ dưới 5%.

Trong năm nay, UBCKNN từng cho biết sẽ đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.

Việc đưa trái phiếu doanh nghiệp trở thành sản phẩm giao dịch của một sàn giao dịch tập trung là động thái tích cực, giúp việc mua bán thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, động thái này phù hợp với quy hoạch của UBCKNN xây dựng sàn HoSE tập trung vào cổ phiếu và sàn HNX tập trung vào trái phiếu, phái sinh và một số sản phẩm trái phiếu Chính phủ… Đây là một định hướng hợp lý, lẽ ra phải đẩy nhanh từ lâu.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng khi có một sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung như HNX, sau đó sẽ xuất hiện các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trái phiếu cho doanh nghiệp, từ đó phân loại các hạng trái phiếu hạng A, hạng B… cho nhà đầu tư.

Như vậy, khi thị trường phát triển đi cùng sẽ là các đơn vị song hành, các tổ chức phát triển các sản phẩm song song bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Hiện tại khi thị trường chưa phát triển sẽ còn tồn tại nhiều rủi ro, thiếu minh bạch.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp chọn phương thức phát hành riêng lẻ với thủ tục đơn giản thay vì phương thức phát hành rộng rãi ra công chúng do phải tuân thủ Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải tự đánh giá mức độ rủi ro.

Ðối với hoạt động đầu tư tài chính, thông tin là yếu tố quan trọng nhất nhưng đây lại là điểm yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, vì thế tính minh bạch thông tin thị trường nói chung và thông tin doanh nghiệp phát hành nói riêng đều kém. Hiện cả nước mới có hai tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Nhà đầu tư rất khó hiểu rõ tài liệu công bố thông tin dài hàng trăm trang với nhiều điều khoản mập mờ, nhất là thông tin về tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp...

Vì vậy, nhà đầu cần thận trọng và lưu ý tính minh bạch của báo cáo tài chính doanh nghiệp, tính pháp lý của kênh phát hành và dự án.

Tín hiệu tích cực

Theo ông Lê Chí Phúc, Giám đốc SGI Capital, những nỗ lực để hướng đến minh bạch thị trường của cơ quan quản lý, được các nhà đầu tư lâu năm đánh giá là tin tốt lành.

Cụ thể, theo ông Lê Chí Phúc, nhìn lại từ 2011, ngành ngân hàng được tập trung tái cơ cấu, đưa vào khuôn khổ giám sát chặt chẽ, phát triển lành mạnh hơn. Kết quả là nền tảng vĩ mô Việt Nam từ trạng thái bấp bênh liên tục trải qua khủng hoảng đã ổn định trở lại. Lạm phát, lãi suất, tỷ giá, thâm hụt ngân sách... của Việt Nam trong 5 năm qua thuộc nhóm ổn định và lành mạnh nhất thế giới.

Giám đốc SGI Capital nhận định, năm nay, thị trường bất động sản và chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) được đưa vào tầm ngắm để tái cơ cấu, dẹp bớt những đội nhóm lũng đoạn, thao túng, bớt dần tính đầu cơ cờ bạc, làm cho thị trường lành mạnh hơn. “Dòng tiền của nhà đầu tư không còn bị cuốn vào các cuộc phát hành cổ phiếu và trái phiếu vô tội vạ của các doanh nghiệp yếu kém, và các cuộc làm giá tưng bừng của các đội lái. Khi đó, vai trò phân bổ vốn của thị trường tài chính sẽ được phát huy hiệu quả”, ông nói thêm.

“Trên một nền tảng vĩ mô ổn định, nguồn lực xã hội được phân bổ hiệu quả chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng cộng hưởng, giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn. Làm được như thế, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bước vào một chu kỳ phát triển rực rỡ trong 5-10 năm tới. Rất hy vọng!”, ông Lê Chí Phúc nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả