24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phú Đô
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làm sao để không thành ‘con mồi’ của đa cấp bất chính?

Chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo, nhằm giúp người dân tự nhận diện để bảo vệ chính mình.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh chính thống được pháp luật thừa nhận. Nhưng kinh doanh đa cấp bất chính còn tồn tại, vươn vòi bạch tuộc ra khắp nơi, với vô vàn những chiêu lừa tinh quái.

“Các đối tượng lừa đảo thường “vẽ” viễn cảnh tươi sáng, làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thu nhập hấp dẫn đến vài chục triệu đồng mỗi tháng… khiến không ít người đã bỏ tới đồng tiền cuối cùng của gia đình, hay đi vay nặng lãi để lao vào canh bạc đỏ đen mang tên đa cấp bất chính”, ông Long nói.

- Vậy làm cách nào để nhận diện “doanh nghiệp đa cấp bất chính”?

Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức hoạt động của họ là ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp trực tiếp với cá nhân.

Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.

Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.

Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính thường có những dấu hiệu như sau:

Yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

Khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

Cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

Bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

- Doanh nghiệp đa cấp bất chính thường có vô vàn những chiêu lừa tinh quái, người dân cần làm gì để không bị lừa khi tham gia đa cấp, thưa ông?

Để tránh rơi vào bẫy của các hệ thống đa cấp bất chính, lừa đảo, người tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí như giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.

Người tham gia cũng cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.

Người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp. Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.

- Trường hợp chẳng may bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân (nạn nhân tiềm năng) đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.

Hàng vạn người dân bị các nhóm lừa đảo dụ dỗ bỏ tiền mua các sản phẩm với giá cao để được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần liên hệ với doanh nghiệp để lấy lại tài sản hoặc các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương); Sở Công thương các địa phương hoặc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an địa phươngđể được tư vấn, hỗ trợ.

- Trên thực tế, rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp. Ông có thể cho ví dụ đơn giản, ngắn gọn để khách hàng có thể phân biệt được bán hàng đa cấp với mô hình bán hàng truyền thống?

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng, trong đó công ty sẽ tạo ra sản phẩm độc quyền với thương hiệu riêng.

Còn người bán hàng đa cấp sẽ thực hiện công việc đưa sản phẩm tới thị trường hoặc tìm kiếm những người bán hàng có thể làm được công việc này. Với mỗi sản phẩm bán thành công nhà phân phối sẽ nhận được tiền hoa hồng trực tiếp, về lâu dài nếu xây dựng được các nhà phân phối tuyến dưới F1,F2,F3 thì mỗi sản phẩm F1,F2,F3… bán thành công nhà phân phối cũng nhận được mức hoa hồng tương ứng, trung bình khoảng 3-7% (giá trị sản phẩm).

Ví dụ, bạn muốn mua một hộp sữa, bạn có thể ra chợ, siêu thị hay tiệm tạp hóa để mua. Đây là các điểm phân phối của hình thức bán hàng truyền thống. Còn nếu một hộp sữa được bán bởi một người nào đó, mang đến tận nhà cho bạn, người này được hưởng hoa hồng. Thì trường hợp này chính là kiểu bán hàng đa cấp.

Hoa hồng hay thưởng là khoản được trích từ lợi nhuận của công ty để trả công cho các nhà phân phối. Vì họ đã giúp công ty bán được hàng.

Bán hàng đa cấp khác với bán hàng truyền thống ở chỗ không xây dựng hệ thống đại lý hay cửa hàng mà chỉ xây dựng hệ thống nhà phân phối cá nhân.

- Ông nhận định gì về cơ hội, tiềm năng và giải pháp phát triển kinh doanh đa cấp hiện nay tại Việt Nam?

Bán hàng đa cấp đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới từ rất lâu, là phương thức quản lý mới giúp các công ty đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mặt hàng mới và tạo ra sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Để hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh thì công tác quản lý nhà nước lẫn ý thức cộng đồng về lĩnh vực này cần được nhận thức một cách đúng mức.

Cần nhìn nhận đúng, đánh giá đúng vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lành mạnh, bên cạnh đó cần kịp thời lên án và xử lý nghiêm khắc với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính, lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa gạt người tiêu dùng.

Bản thân doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tự tôn trọng mình bằng việc thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật và bảo đảm quyền lợi khách hàng.

Các doanh nghiệp cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức pháp luật, đạo đức hành nghề, văn hóa doanh nghiệp và những chế tài xử phạt nghiêm minh khi vi phạm hoặc đôn đốc kiểm tra để tránh tình trạng một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà nói sai sự thật về công dụng sản phẩm, nói sai về chính sách hoa hồng…dẫn tới lừa dối người tiêu dùng và ngay cả các nhà phân phối tuyến dưới của mình gây nên những bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh bán hàng đa cấp.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả