Làm sao để chứng khoán phái sinh thôi là... đánh bạc?
Chứng khoán phái sinh (Derivatives) là một sản phẩm tài chính khá thú vị, nó gần giống như việc đặt cược vào việc tăng hay giảm trong giá trị của một sản phẩm nào đó để thu được lợi nhuận.
Có 4 loại chứng khoán phái sinh phổ biến nhất: Hợp đồng kỳ hạn (Forward), Hợp đồng tương lai (Future), Hợp đồng quyền chọn (Option) và Hợp đồng hoán đổi (Swap). Sản phẩm chứng khoán phái sinh tại thị trường chứng khoán Việt Nam (VN30F) là Hợp đồng tương lai (Future), dựa trên sự tăng/giảm của chỉ số VN30.
HỢP ĐỒNG TƯƠNG LAI VN30F
Về sản phẩm này, bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn trên các trang thông tin, nhưng tôi có thể giải thích cho các bạn một cách đơn giản là bạn sẽ đặt cược chỉ số VN30 vào cuối ngày đáo hạn hợp đồng sẽ tăng hay giảm so với hiện tại. Nếu bạn đặt cược nó tăng (vị thế Long), vào ngày đáo hạn nếu chỉ số VN30 tăng lên thật thì bạn sẽ nhận được tiền thưởng ứng với mỗi điểm tăng, còn nếu nó giảm thì bạn sẽ mất tiền ứng với mỗi điểm giảm. Ngược lại, nếu bạn đặt cược nó giảm (vị thế Short), vào ngày đáo hạn nếu chỉ số VN30 giảm thì bạn sẽ nhận được tiền thưởng ứng với mỗi điểm giảm, còn nếu nó tăng thì bạn sẽ mất tiền ứng với mỗi điểm tăng.
Ví dụ, tôi đặt cược chỉ số VN30 sẽ tăng bằng cách mua (Long) 01 hợp đồng tương lai VN30 ở mức hiện tại là 1200 điểm, đến cuối ngày đáo hạn thì chỉ số VN30 tăng lên 1300 điểm. Đối chiếu với thời điểm mua thì VN30 đã tăng 100 điểm (1300 - 1200 = 100), như vậy tôi đã đặt cược đúng và sẽ nhận được tiền thưởng cho 100 điểm đó (100,000 x 100= 10,000,000đ; 100,000đ là mức được/mất tương ứng với 1 điểm/01 hợp đồng).
TẠI SAO NGÀY ĐÁO HẠN CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH LẠI KỊCH TÍNH NHƯ VẬY?
Ngày đáo hạn của hợp đồng phái sinh tương lai chỉ số VN30 là thứ 5 của tuần thứ 3 hàng tháng. Như bạn có thể thấy, giá trị của chỉ số VN30 vào cuối ngày đáo hạn hợp chính là mốc để đối chiếu bạn có lãi hay lỗ với các đặt cược của mình. Nếu bạn đặt cược VN30 tăng, bạn sẽ muốn chỉ số VN30 vào cuối ngày đáo hạn tăng thật nhiều. Nếu bạn đặt cược VN30 giảm, bạn sẽ muốn chỉ số VN30 vào cuối ngày đáo hạn giảm thật nhiều. Càng tăng/giảm nhiều thì khoản đặt cược tương ứng của bạn sẽ càng lãi lớn. Chính vì thế, khi những cá mập (hay tay to, bb) tham gia sản phẩm này, họ sẽ tìm cách làm sao để chỉ số VN30 trong ngày đáo hạn tăng/giảm mạnh theo vị thế của họ để thu về lợi nhuận lớn nhất.
Làm sao để họ thực hiện điều này?
Chỉ số VN30 được cấu thành từ giá trị của 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nằm trong rổ VN30 của HOSE. Như vậy sự tăng/giảm của chỉ số VN30 dựa vào sự tăng/giảm giá của 30 cổ phiếu này. Như vậy, nếu muốn làm tăng chỉ số VN30, họ sẽ cố đẩy giá các cổ phiếu VN30 lên cao bằng cách mua nhiều hơn. Nếu muốn làm giảm chỉ số VN30, họ sẽ cổ hạ giá các cổ phiếu VN30 xuống thấp bằng cách bán ra nhiều hơn. Điều này giải thích tại sao vào ngày đáo hạn phái sinh, việc mua bán lại diễn ra rất kịch tính và giá các cổ phiếu trong nhóm VN30 này liên tục lên xuống.
Tuy nhiên, trong nhóm VN30, cá nhân tôi thấy chỉ có một vài cổ phiếu thường giữ vai trò là “người được chọn” để tác động chỉ số. Các cổ phiếu này thường là VCB, VHM, VIC, VNM, SAB, MSN,... Lí do là vì đây là các mã có vốn hóa lớn nhất sàn, vì thế ảnh hưởng của nó lên chỉ số VN30 cũng mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, đây là các cổ phiếu có giá “khá chát”, vì thế ít có sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này khiến cho khối lượng mua bán thấp, cộng với việc tránh được các hành vi gây nhiễu đến từ các noise traders.
Tại sao họ lại chấp nhận mua giá rất cao/bán giá rất thấp với các cổ phiếu này trong ngày đáo hạn?
Một điều có thể thấy trong các ngày đáo hạn phái sinh là có một lượng lớn các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 được khớp lệnh trong phiên ATC với giá khá cao hoặc khá thấp tùy theo vị thế thắng cược của hợp đồng phái sinh hôm đó. Ví dụ, trong phiên ATC ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2108 ngày 19/08/2021, chỉ trong vòng 15 phút hơn 1 triệu cổ phiếu VIC được mua khớp lệnh ở mức giá 104,000 vnđ/cp, nghĩa là tăng hơn 6% so với giá tham chiếu. Giá trị giao dịch của 1 triệu cổ phiếu này lên đến hơn 100 tỷ đồng. Như vậy lẽ nào cá mập trên thị trường chấp nhận mua giá cao cổ phiếu VIC chỉ để ăn lãi vài điểm phái sinh?
Thực tình thì tôi nghĩ không phải như vậy, đây chỉ đơn giản là hình thức mua từ tay trái đổi sang tay phải. Ví dụ, cá mập trước đó đã sở hữu 1 triệu cổ phiếu VIC và hơn 100 tỷ đồng, vào ngày đáo hạn phái sinh, họ chỉ đơn giản là kê lệnh mua 1 triệu cổ phiếu VIC ở mức giá ATC và kê lệnh bán 1 triệu cổ phiếu VIC ở mức giá 104,000đ/cp. Như vậy, đến hết phiên ATC, với giá khớp lệnh 104,000vnđ/cp, họ vẫn thu về được hơn 100 tỷ đồng và vẫn giữ 1 triệu cổ phiếu VIC (các cá mập thường hay được miễn phí giao dịch). Đối với chiều bán thì mọi thứ cũng diễn ra tương tự như vậy. Chính vì để dễ dàng thực hiện kỹ thuật này mà mới có một số cổ phiếu sẽ được coi là “người được chọn” bởi ở các cổ phiếu này, các cá mập để tránh các hành vi gây nhiễu của nhà đầu tư cá nhân.
Vậy đây có phải là hành vi thao túng thị trường không?
Cái này thì tôi cũng không biết. Bản thân tôi thấy đây cũng là các hành vi tự nhiên của thị trường tự do, là sự cạnh tranh giữa phe mua và phe bán. Hoạt động đẩy/ép giá thường luôn diễn ra từ cả hai phía (phe Long và phe Short) chứ không diễn ra theo hướng một chiều. Thực tế là sau mỗi một phiên đáo hạn phái sinh thì phiên hôm sau sẽ là phiên “trả điểm”, đưa mọi thứ trở về đúng quỹ đạo. Với xu hướng đầu tư trung và dài hạn, tôi thường tin vào giá trị của cổ phiếu nhiều hơn là giá trị hiển thị trên bảng điện tử, chính vì thế, các hoạt động này có vẻ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến những nhà giao dịch ngắn hạn hay lướt sóng.
VẬY CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH LÀ ĐÁNH BẠC?
Hợp đồng phái sinh thực sự là một trò chơi có tổng bằng 0 (Zero-sum game), nghĩa là người đặt cược sai sẽ phải trả tiền cho người đặt cược đúng. Và có một quy luật bất biến trên thị trường là bạn không thể chắc chắn được thị trưởng sẽ tăng hay giảm cho đến ngày đáo hạn. Vậy chẳng phải chứng khoán phái sinh chính là đánh bạc hay sao? Nếu nó là đánh bạc thì tại sao người ta nghĩ ra sản phẩm tài chính này làm gì, tại sao không ra sòng bạc hay tham gia cá độ thể thao cho nhanh?
Thực tế các công cụ phái sinh được ra đời để làm nhiệm vụ phòng hộ (Hedging). Tôi sẽ cho bạn một ví dụ dễ hiểu về sản phẩm hợp đồng tương lai. Ví dụ, bạn là người nông dân đang có 100kg cà phê và sẽ phải giao cà phê cho thương lái trong vòng 1 tháng nữa, theo hợp đồng, thương lái sẽ mua cà phê theo giá của ngày giao dịch là 20/09. Giá cà phê ngày hôm nay (20/08) đang ở mức giá khá tốt là 40,000 vnđ/kg và bạn lo sợ giá rằng giá cà phê sắp giảm, vậy làm thế nào để giữ được mức giá này trong một tháng tiếp theo? Bạn quyết định đặt cược với ông hàng xóm bằng một thỏa thuận là vào ngày đáo hạn 20/09, nếu giá cà phê cứ tăng 1,000 vnđ thì bạn sẽ mất cho ông hàng xóm 100,000đ, còn nếu giá cà phê cứ giảm 1,000đ thì ông hàng xóm sẽ phải trả cho bạn 100,000đ. Như vậy, giả sử vào ngày 20/09, giá cà phê giảm 10,000đ xuống còn có 30,000 vnđ/kg, tuy bạn sẽ nhận được ít tiền hơn từ thương lái nhưng ông hàng xóm sẽ phải trả bạn 1,000,000đ do thua cược. Và khi cộng tổng doanh thu thì bạn đã thực sự bán được 40,000đ cho 1kg cà phê, cho dù giá thị trường ngày 20/09 chỉ có 30,000 vnđ/kg. Đây chính là kỹ thuật Hedging bằng hợp đồng tương lai, là lí do mà các loại hợp đồng tương lai ra đời và là cách hợp lý để các nhà đầu tư cá nhân sử dụng nó.
PHÒNG HỘ (HEDGING) TRÊN THỊ TRƯỜNG BẰNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH
Nếu bạn là một nhà đầu tư thiên về đầu tư dài hạn, an toàn và hiệu quả, tôi nghĩ bạn nên tìm hiểu về phương pháp Hedging này, nó cũng khá là đơn giản. Khi bạn mua cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu thuộc nhóm VN30 hoặc nhóm “người được chọn” với cơ bản tốt và có mục tiêu nắm giữ lâu dài, hãy dùng một số tiền nhỏ để đặt cược chỉ số VN30 sẽ đi xuống bằng việc thực hiện bán (đặt vị thế Short) các hợp đồng chứng khoán phái sinh. Khi đó, chẳng may nếu thị trường giảm giá hoặc điều chỉnh, mặc dù giá trị các cổ phiếu trong danh mục của bạn bị giảm xuống thì số tiền kiếm được từ việc Short các hợp đồng phái sinh sẽ phần nào cân bằng giá trị các tài sản của bạn, giúp cho bạn yên tâm nắm giữ danh mục của mình. Trong trường hợp thị trường tăng giá, cho dù hợp đồng phái sinh của bạn sẽ bị lỗ nhưng các cổ phiếu của bạn đã tạo ra các khoản lợi nhuận. Điều bạn cần chú ý là phân bổ số tiền để hedging (tôi nghĩ nên rơi vào khoảng 5% tổng giá trị danh mục cổ phiếu) và xây dựng vùng cắt lỗ (Stop-loss) hợp lý cho các hợp đồng phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
Hedging chính là chiến lược tài chính được nhiều quỹ cũng như ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới sử dụng để quản trị rủi ro. Tuy nó có thể làm giảm đôi chút lợi nhuận dự tính của bạn nhưng cũng sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro và quan trọng nhất là giúp bạn luôn vững vàng trước các tác động của thị trường. Lý tưởng nhất là bạn nắm giữ các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tốt và thực hiện hedging bằng chứng khoán phái sinh vào các giai đoạn thị trường có dấu hiệu điều chỉnh. Như vậy bạn vừa có thể hold cổ phiếu lâu dài, vừa có thể kiếm lời từ việc thị trường giảm điểm và tránh được các tác động tâm lý tiêu cực.
Mong bài viết của tôi sẽ giúp các bạn có được cái nhìn rõ ràng hơn về sản phẩm chứng khoán phái sinh, đặc biệt là hợp đồng tương lai VN30F.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận