Làm rõ vướng mắc trong đàm phán hợp đồng 3 dự án PPP cao tốc Bắc Nam
Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với nhà đầu tư theo nguyên tắc: “trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh trường hợp này, Bộ sẽ thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dù đã đấu thầu, lựa chọn xong nhà đầu tư từ cuối năm 2020, nhưng nay đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư trúng thầu.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để tháo gỡ vấn đề này, tại văn bản số 3113/BGTVT-ĐTCT mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng, Bộ đã đề nghị các bộ này làm rõ và cho ý kiến một số vấn đề liên quan đến điều kiện chuyển tiếp của Luật PPP, cơ chế tăng giảm doanh thu, thanh toán vốn nhà nước, quyết toán dự án, vấn đề điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn...
Đánh giá chung về quá trình đàm phán với các nhà đầu tư tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nhìn nhận, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn; tiến độ yêu cầu hoàn thành rất gấp, triển khai theo hình thức PPP phức tạp cả về hình thức quản lý và hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh, quá trình quản lý thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực…
Quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng tín dụng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên đến quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng…
Đặc biệt, Luật Đối tác công tư (Luật PPP) mới có hiệu lực còn chưa quy định được hết các tình huống thực tế xảy ra. Những vướng mắc này dẫn đến quá trình đảm phán hợp đồng dự án PPP đã phát sinh một số nội dung chưa thống nhất.
“Dự thảo hợp đồng dự án cao tốc Bắc Nam kèm theo hồ sơ mời thầu được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật trước khi Luật PPP ban hành.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán với nhà đầu tư theo hướng cập nhật các quy định của Luật PPP vào nội dung hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ mời thầu và chủ trương đầu tư. Đặc biệt, phù hợp với quy định tại điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP và các văn bản liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, một số nội dung trong hợp đồng Bộ Giao thông Vận tải đang đàm phán với nhà đầu tư cần làm rõ như cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, quy định tại Điều 82 Luật PPP: “Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính”.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, trong quá trình đàm phán hợp đồng, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án chỉ chia sẻ phần doanh thu tăng, không chia sẻ phần doanh thu giảm, nhưng các nhà đầu tư không đồng thuận. Các nhà đầu tư đề nghị chia sẻ rủi ro trong cả trường hợp tăng và giảm để đảm bảo công bằng khi ký kết hợp đồng.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với nhà đầu tư theo nguyên tắc: “trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh trường hợp này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng”.
Về thanh toán vốn nhà nước, tại hợp đồng đàm phán quy định, việc thanh toán phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án phù hợp với khối lượng giá trị xây dựng đã hoàn thành được nghiệm thu; đồng thời, đảm bảo nằm trong phạm vi kế hoạch vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các dự án PPP.
Điều chỉnh vấn đề này Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý tài chính các dự án PPP quy định “nguồn vốn thanh toán, điều kiện thanh toán, mức vốn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán phải được quy định trong hợp đồng PPP. Mặt khác, vốn nhà nước trong dự án PPP được thanh toán khi được giao kế hoạch vốn đầu tư công…”.
Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, các nhà đầu tư đều có ý kiến được tính các chi phí phát sinh trong trường hợp kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch. Hoặc, được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong trường hợp nhà nước chậm bố trí vốn ngân sách theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Vụ trưởng Nguyễn Viết Huy thông tin, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư có tính toán bổ sung chi phí phát sinh hoặc điều chỉnh thời gian xây dựng trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước bố trí chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng đến chi phí và thời gian thực hiện dự án.
Về nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong dự thảo hợp đồng liên quan đến việc, doanh nghiệp dự án chịu mọi chi phí khác khắc phục hậu quả do lỗi của mình dẫn đến chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và không được bồi thường thiệt hại.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ đang đàm phán với nhà đầu tư theo hướng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp với bên cho vay tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế. Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư thay thế.
Để đảm bảo công bằng, hài hoà lợi ích giữa các bên trong hợp đồng, Bộ sẽ đàm phán về giá trị thực hiện tăng hoặc giảm do việc phát sinh thay đổi về thiết kế, biện pháp công nghệ thi công do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng. Trường hợp cắt giảm hạng mục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nguồn vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án sẽ được giảm theo tỷ lệ tương ứng…
Theo phản ánh của các nhà đầu tư dự án PPP, ngoài những vấn đề kể trên vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ trong các văn bản liên quan đến cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro để nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có tiếng nói chung.
Liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện chia sẻ doanh thu tăng, giảm, PGS.TS.Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, điều khoản này cần phải quy định chi tiết việc áp dụng điều chỉnh mức giá, phí, thời hạn hợp đồng ở mức độ nào và đến khi nào để được chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu do không thể tăng giá, phí sản phẩm, dịch vụ công quá cao và tăng suốt vòng đời dự án.
Về vướng mắc nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 28/2021/NĐ-CP, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận.
Đồng nghĩa, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành. Đại diện nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt bày tỏ, do ràng buộc của quy định này nên doanh nghiệp gặp khó trong việc ký kết hợp đồng tín dụng do phía ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận