Làm rõ hành vi trốn đóng Bảo hiểm xã hội để áp dụng chế tài khởi tố hình sự
Một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa khởi tố hình sự được trường hợp nào liên quan đến trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, do luật chưa phân biệt rõ ràng hành này. Do đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã làm rõ hành vi để áp dụng chế tài khởi tố hình sự.
Cho ý kiến Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét kỹ các yêu cầu và điều kiện để khởi tố hình sự đối với các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định để làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH, chế tài nếu để tình trạng chậm, trốn đóng BHXH gia tăng…
Làm rõ hành vi chậm và nợ BHXH để áp dụng chế tài ngăn chặn phù hợp.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quá trình tổng kết 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014 cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa khởi tố hình sự được trường hợp nào liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, do luật chưa quy định rõ 2 hành vi này.
Do đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định làm rõ 2 hành vi là chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; chế tài xử phạt hành chính với từng hành vi; trên cơ sở đó cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định làm rõ trách nhiệm các cơ quan, như: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc tại địa phương; Cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định và quản lý người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện;
Các cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến đối tượng tham gia với cơ quan BHXH; Quy định rõ hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH để có cơ sở xử lý kịp thời;
Dự luật cũng bổ sung 5 biện pháp, chế tài xử lý chậm, trốn đóng BHXH, gồm: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng; Ngừng sử dụng hóa đơn (chậm từ 6 tháng), hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH (chậm từ 12 tháng trở lên); Cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH; Trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH không đầy đủ, kịp thời.
Về ý kiến đề nghị nghiên cứu việc quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Việc giao Chính phủ quy định chi tiết điều này nhằm đảm bảo tính khả thi và thuận lợi cho tổ chức triển khai thực hiện.
Về công khai rộng rãi thông tin về tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc của các công ty, doanh nghiệp, hiện cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều biện pháp này, như: Công khai quá trình đóng, hưởng BHXH trên cổng thông tin BHXH, ứng dụng VssID để người lao động theo dõi, giám sát đơn vị đóng; công khai tên đơn vị, số tiền chậm, thời gian chậm đóng BHXH trên cổng thông tin của cơ quan BHXH, phương tiện thông tin đại chúng…
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng hoàn thiện quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận