Lạm phát thấp không hẳn là điều mừng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong các năm từ 2016 đến nay. Theo các chuyên gia, nếu kiểm soát lạm phát một cách chủ động và thận trọng thì lạm phát cả năm 2021 sẽ chỉ ở mức 2,0 đến 3%. Nhưng tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng.
PGS. TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính):
CPI bình quân năm 2021 chỉ dưới 3%
Trong những tháng tới dịch Covid-19 trên thế giới được khống chế, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. CPI sẽ chịu tác động tăng do giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam nhất là dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung- cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...
Nhưng sẽ có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Thứ nhất, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc khiến cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng của nhiều quỹ đầu tư.
Thứ hai là bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế khá tốt, đàn lợn nuôi được khôi phục, cung - cầu thịt lợn bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt.
Thứ ba, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra...
Vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,3%).
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Cần phải huy động các nguồn lực của doanh nghiệp
Chúng ta không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm. Giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu vẫn có chiều hướng tăng. Trong khi các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của các nước làm cho cung tiền tăng khá mạnh cũng dễ dẫn tới đẩy lạm phát tăng lên. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa được nối lại sẽ là một yếu tố tiếp tục làm cho chi phí vận chuyển logistics vẫn đứng ở mức cao, chắc chắn giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa giảm theo mong muốn ngay được…
Bởi vậy, muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức 4% cần phải huy động các nguồn lực ở trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Sản xuất phải gắn với một hệ thống phân phối đủ mạnh, mở rộng cửa đón hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam sản xuất với chi phí thấp nhất để hạn chế việc giải cứu hàng hóa ứ đọng của nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mà từ trước đến nay vẫn còn tồn tại.
Làm được những điều trên, khả năng CPI cả năm sẽ dao động khoảng 3,3 - 3,7%, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững cho những năm tiếp theo.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính:
Lạm phát thấp do tổng cầu yếu
CPI tháng 6/2021 đã tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,62% so với tháng 12/2020. Như vậy, trong vòng 6 tháng qua CPI tăng trung bình khoảng 0,27%/tháng. Nếu tốc độ tăng giá này được duy trì trong thời gian còn lại của năm, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm 2021 sẽ ở mức 2,12%.
Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
Với những giả định trên, chúng tôi tiếp tục duy trì dự báo đã đặt ra từ đầu năm là lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ chỉ dưới mức 3% bất chấp giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh.
Thực trạng lạm phát thấp hiện nay và trong cả năm 2021 có nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng trong nước rất yếu. Quả vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%.
Hơn nữa, do chỉ số này của 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn về giá trị tuyệt đối so mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua.
Các con số này cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn.
Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Mặc dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận