Lạm phát tăng tốc, Fed có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đến bao giờ?
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ mà Bộ Lao động nước này công bố vào hôm 12/5 rõ ràng đã gây nên một cơn chấn động...
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ mà Bộ Lao động nước này công bố vào hôm 12/5 rõ ràng đã gây nên một cơn chấn động trên thị trường tài chính. Câu hỏi lớn nhất đối với giới đầu tư toàn cầu lúc này là với lạm phát tăng tốc mạnh như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đến khi nào?
CPI tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, sau khi tăng 2,6% trong tháng 3. Mức lạm phát vượt xa dự báo này là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục hồi phục nhanh sau giai đoạn suy thoái vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Phố Wall đã có một phen hoảng loạn vì cho rằng sắp đến lúc Fed phải nâng lãi suất và cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Nỗi lo lạm phát đã khiến chứng khoán Mỹ bán tháo ba phiên liên tiếp từ đầu tuần này đến ngày thứ Tư, trong đó chỉ số Dow Jones giảm tổng cộng 3,4%; chỉ số S&P 500 trượt 4%; và chỉ số Nasdaq sụt 5,2%.
“BÓNG MA” LẠM PHÁT XUẤT HIỆN
Chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed kết hợp với chính sách tài khoá siêu mở rộng của Chính phủ liên bang Mỹ là động lực quan trọng đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục thiết lập những kỷ lục mới.
Tốc độ lạm phát ở Mỹ đã lình xình quanh ngưỡng 2% trong nhiều năm trở lại đây. Khi Covid trở thành đại dịch toàn cầu, lạm phát ở Mỹ càng yếu đi vì nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Lạm phát thấp tạo điều kiện để Fed cắt giảm lãi suất về mức 0-0,25% và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua tài sản, hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Chủ trương của Fed là duy trì chính sách này cho tới khi lạm phát đạt mức bình quân 2% bền vững, nền kinh tế phục hồi chắc chắn, công ăn việc làm bao trùm và đầy đủ, thì Fed mới tính đến chuyện thắt chặt chính sách. Trong cuộc họp gần đây nhất diễn ra hồi tháng 4, Fed dự báo sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023.
Trong vòng một năm qua, chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed kết hợp với chính sách tài khoá siêu mở rộng của Chính phủ liên bang Mỹ là động lực quan trọng đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng nhận được ảnh hưởng tích cực từ xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ và các chính sách nới lỏng của Mỹ.
Nhưng gần đây, “bóng ma” lạm phát bắt đầu ám ảnh tâm trí nhà đầu tư ở Phố Wall và khắp thế giới. Áp lực lạm phát từ mơ hồ đã trở nên rất rõ ràng khi giá cả đầu vào từ đồng, thép, quặng sắt, dầu, gỗ, con chip... cho tới các loại nông sản như ngô, đậu tương... và giá nhân công đồng loạt leo thang mạnh.
Trong lúc nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, người tiêu dùng Mỹ đã cảm nhận rõ sự gia tăng của giá cả. Có nhiều lý do dẫn tới CPI của Mỹ “bốc đầu”. Chẳng hạn, giá ôtô cũ của nước này tăng mạnh do cuộc khủng hoảng con chip toàn cầu gây sụt giảm sản lượng ô tô mới. Giá bình quân của một chiếc ôtô cũ ở Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 25.000 USD trong tháng 4, theo số liệu của J.D. Power.
Bên cạnh đó, nhiều công ty bắt đầu nâng giá bán sản phẩm để cân đối với chi phí đầu vào gia tăng. Giá vé máy bay và phòng khách sạn cũng rục rịch tăng khi người tiêu dùng bắt đầu đi lại sau một năm bị hạn chế vì đại dịch. Khoảng 36% số doanh nghiệp nhỏ được khảo sát bởi Liên đoàn Kinh doanh độc lập quốc gia Mỹ (NFIB) cho biết đã nâng giá bán hàng hoá trong tháng 4/2021 - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1981.
Nhìn rộng hơn, giá cả tăng còn phản ánh nhu cầu tiêu dùng khởi sắc trên cơ sở chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đánh giá là thành công của Mỹ, hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh dần được nới lỏng, hàng nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã bơm vào nền kinh tế để kích cầu, cùng lượng tiền tiết kiệm khổng lồ của người dân. Trong quý 1, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế được tờ Wall Street Journal khảo sát dự báo mức tăng 8,1% trong quý 2. Với tốc độ tăng như vậy, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay có thể sẽ rực rỡ nhất kể từ đầu thập niên 1980.
“TẠM THỜI “TRONG BAO LÂU?
Báo cáo CPI tháng 4 của Mỹ đã được thị trường chờ đợi để tìm kiếm một tín hiệu mới về lạm phát làm cơ sở xác định đường đi của chính sách tiền tệ và tài khoá trong thời gian tới.
Một nguyên nhân khiến CPI tháng 4 của Mỹ tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái là hiệu ứng cơ sở: CPI tháng 4/2020 của Mỹ rất thấp do một phần lớn nền kinh tế phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Việc so sánh giữa năm nay với năm ngoái sẽ bị bóp méo trong vài tháng do ảnh hưởng của đại dịch. Đây chính là lý do mà các quan chức Fed và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đợt tăng giá cả này ở Mỹ chỉ là tạm thời và lạm phát sau đó sẽ giảm về vùng 2% như mục tiêu mà Fed đề ra.
Vấn đề là sự “tạm thời” này sẽ kéo dài trong bao lâu? Độ dài của giai đoạn lạm phát cao sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc Fed chọn thời điểm bắt đầu nâng lãi suất và bắt đầu cắt giảm QE. Giới chuyên gia và quan chức đều cho rằng phải mất ít nhất vài tháng nữa mới có thể đưa ra câu trả lời.
Ngày 12/5, Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, cho rằng biến động giá cả có thể kéo dài đến hết tháng 9. Theo ông Bostic, sau tháng 9, “chúng ta sẽ biết được điều gì đang đang diễn ra với gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hoá cơ bản, và tất cả những vấn đề khác. Bởi vậy, trong 4-5 tháng tới, tôi cho rằng giá cả còn biến động nhiều và khó mà biết được đâu là tín hiệu thực sự”.
Độ dài của giai đoạn lạm phát cao sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc Fed chọn thời điểm bắt đầu nâng lãi suất và bắt đầu cắt giảm QE. Giới chuyên gia và quan chức đều cho rằng phải mất ít nhất vài tháng nữa mới có thể đưa ra câu trả lời.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng các cố vấn kinh tế của ông Biden dự báo áp lực lạm phát được cho là “tạm thời” sẽ kéo dài đến hết năm nay.
Theo chuyên gia kinh tế Brett Ryan thuộc Deutsche Bank, Fed sẽ phải đợi đến ít nhất mùa thu năm nay “mới có thể thực sự biết được bình thường mới trông như thế nào”. “Nhìn chung, tôi muốn nói rằng Fed phải đợi ít nhất sáu tháng mới có thể đi đến kết luận sơ bộ về việc lạm phát có tạm thời hay không, và phải đợi khoảng 12 tháng để đưa ra kết luận chắc chắn về chuyện này”, ông Ryan nói với Bloomberg.
“Tôi cho rằng chi tiêu vào dịch vụ sẽ còn tăng mạnh trong hai tháng tới đây, và điều đó sẽ gây áp lực tăng đáng kể lên chỉ số CPI”, chuyên gia kinh tế trưởng Richard F. Moody của Regions Financial Corp. dự báo trên Wall Street Journal. Cũng theo ông Moody, nếu lạm phát giữ ở mức cao, Fed sẽ khó duy trì được lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, và “đây chính là vấn đề mà thị trường ngày càng bất đồng quan điểm với Fed”.
Ngoài ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, vấn đề lạm phát cũng ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn hai gói chi tiêu với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD, bởi các nghị sỹ Cộng hoà có thể dựa vào chuyện lạm phát cao để phản đối việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Phát biểu trước khi báo cáo CPI được công bố, các quan chức Nhà Trắng nói chính quyền ông Biden đang theo dõi một loạt rủi ro tiềm tàng đối với nền kinh tế, trong đó có vấn đề lạm phát. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói ông Biden muốn “theo dõi sự gia tăng của giá cả trong một vài tháng hoặc quý. Sự gia tăng đó là điều mà chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước và hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nói sẽ chỉ là tăng tạm thời”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận