24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao hơn kỳ vọng trong tháng 10. Và chưa có dấu hiệu cho thấy đà tăng sẽ đảo ngược.

Chạm mức cao nhất trong 30 năm

Trong 12 tháng qua, lạm phát đã tăng 6,2% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1990. Loại bỏ yếu tố giá thực phẩm và năng lượng vốn có xu hướng biến động nhiều hơn, lạm phát lõi vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/1991. Tháng 10, CPI chung tăng 0,9% - cao hơn đáng kể so với mức 0,6% mà các nhà kinh tế đã dự báo, cũng như cao hơn gấp đôi so với mức tăng 0,4% trong tháng 9. Đóng góp vào tăng giá của tháng trước đến từ hàng loạt nhóm hàng hóa, từ giá năng lượng, nhà ở, thực phẩm đến ô tô.

Lạm phát tăng là một dấu hiệu của sự phục hồi từ đại dịch. Nhưng đáng lưu ý là bên cạnh nhu cầu tăng vọt, thì lạm phát còn gây ra bởi tình trạng thiếu nguyên liệu thô (dẫn đến giá tăng), cùng với đó là các tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Và sự gia tăng chi phí năng lượng càng như đổ “dầu vào lửa”, khiến cho lạm phát càng trở nên tồi tệ hơn. Theo Rick Rieder, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu của BlackRock, vấn đề lạm phát của Mỹ có thể trở nên tồi tệ hơn bởi sự thúc đẩy kích thích khổng lồ mà Washington cung cấp để đưa Mỹ vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch.

“Việc làm tăng thêm sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiếp tục tăng đối với hàng hóa và dịch vụ, và mức lương cao hơn sẽ là câu chuyện sẽ duy trì trong nhiều tháng tới”, chuyên gia này nhận định.

Lâu nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Fed đã liên tục nhấn mạnh rằng, lạm phát tăng chỉ là tạm thời và dự kiến sẽ chậm lại khi các “trục trặc” của quá trình phục hồi từ đại dịch được giải quyết. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi trong một tuyên bố hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden nói rằng "lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ và việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi". Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với CNN rằng, mặc dù lạm phát hiện đang ở mức cao, nhưng “không tệ” bằng mức lạm phát tăng vọt vào những năm 1970 - giai đoạn kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng đình lạm do giá cả tăng cao xảy ra đồng thời với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Bắt đầu từ tháng 11 này, Fed giảm tốc độ mua tài sản hàng tháng. Điều đó có thể giải tỏa một phần sức nóng của nền kinh tế và xét cho cùng, giữ ổn định giá cả là một trong những nhiệm vụ chính của NHTW. Nhưng báo cáo tháng 10 với lạm phát “nóng” hơn dự kiến đang đặt ra câu hỏi liệu hành động của Fed như vậy đã đủ nhanh chưa, hay liệu Fed có phải nhanh hơn nữa trong rút lại các biện pháp kích thích? Mặc dù chỉ số của một tháng chưa đủ để tạo thành xu hướng và lạm phát tăng cao trong tháng 10 có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng điều ngược lại cũng hoàn toàn có thể xảy ra. “Hòn than” lạm phát thực sự đang được chuyển qua tay người tiêu dùng Mỹ và các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng nước này đã và tiếp tục cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc chấp nhận giá cả sẽ cao hơn, nhất là trong các đợt mua sắm cao điểm vào các kỳ nghỉ lớn tới đây.

Giá lương thực sẽ còn tăng cao nữa

Thực tế, chỉ cần nhìn vào giá hàng hóa lương thực, thực phẩm đã cho thấy nguy cơ này. Giá hàng tạp hóa (lương thực, các hàng hóa cơ bản khác) đã tăng 1% trong tháng 10 so với tháng 9 và cao hơn 5,4% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá thịt bít tết cao hơn tới 24,9% so với một năm trước. Trong khi đó đắt hơn 11,6%; thịt gà đắt hơn 8,8%; ngũ cốc đắt hơn 5% và giá thức ăn trẻ em tăng 7,9% so với một năm trước.

Câu hỏi đặt ra là tại sao giá cả vẫn tăng, thậm chí tăng mạnh và điều đó sẽ kéo dài bao lâu nữa? Giá hàng tạp hóa đã gần như “đình trệ” trong giai đoạn 2015 - 2019, nhưng đã tăng nhanh trong giai đoạn đại dịch Covid. Năm 2020, giá hàng tạp hóa tăng 3,7% so với năm trước.

Các nhà sản xuất thực phẩm và cửa hàng tạp hóa đã phải đối mặt với chi phí hàng hóa, nhân công, vận chuyển và các chi phí khác cao hơn trong suốt đại dịch. Những chi phí đó tiếp tục leo thang trong những tháng gần đây, khiến các nhà sản xuất phải “chuyển” một phần chi phí này (tăng giá hàng hóa cung cấp) đến các khách hàng bán lẻ của họ và tiếp đó, “cục than” tăng giá lại được chuyển một phần đến tay người tiêu dùng.

Áp lực phải tăng giá để bù đắp chi phí của chuỗi cung ứng cứ cộng hưởng như vậy khiến mặt bằng giá phải tăng lên. Nhiều nhà sản xuất lớn của các thương hiệu thực phẩm và đồ gia dụng quen thuộc như Kraft Heinz, Mondelez, Procter & Gamble, Tyson Foods… đều cho biết họ có kế hoạch tăng giá đồ ăn nhẹ, đồ vệ sinh cá nhân, thịt và nhiều sản phẩm khác nữa khi đến tay khách hàng bán lẻ vào đầu năm 2022 để đối phó với chi phí tăng. Nhiều công ty cũng đang rút lại việc giảm giá với nhiều mặt hàng đang bán tại các cửa hàng vì nhu cầu hiện rất mạnh.

Công ty nghiên cứu thị trường IRI dự báo, lạm phát đối với thực phẩm, đồ uống và đồ gia dụng sẽ tăng lên 8% trong nửa đầu năm 2022 trước khi về mức 4% trong nửa cuối năm. Trong khi giá thực phẩm cao hơn đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình trên khắp đất nước, những người mua sắm có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn.

Bất chấp việc giá cả tăng cao, sự gia tăng trong các phúc lợi liên bang như phiếu thực phẩm, tiền trợ cấp… cùng với mức lương cao hơn có thể giúp người tiêu dùng tạm thời đối phó được với giá hàng hóa gia tăng mà không phải giảm nhiều chi tiêu. Tuy nhiên điều này có thể sẽ không kéo dài. Theo nghiên cứu IRI, trong các năm 2007, 2008 và 2011, giá hàng tạp hóa đã tăng hơn 5%, dẫn đến lượng bán giảm xuống (người tiêu dùng mua sắm ít sản phẩm hơn, hoặc chuyển sang các hàng hóa tương tự nhưng có giá rẻ hơn). Từ các dữ kiện lịch sử như vậy, IRI dự báo điều này sẽ xảy ra vào năm 2022, với sản lượng giảm khoảng 5% so với năm nay.

Krishnakumar Davey, người đứng đầu bộ phận phân tích chiến lược của IRI cho biết, thực tế khách hàng đang bắt đầu giảm mua ở những mặt hàng có giá tăng cao nhất hoặc đắt nhất. Ví dụ, một số người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển từ mua các loại thịt cao cấp (như Sườn vai cốt lết, thăn lưng bò…) sang thịt bò xay, gà tây xay và thịt cừu xay. Các nhà phân tích cũng cho rằng, giá cả cao hơn có thể khiến nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng “bình dân” hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả