Lạm phát tại Argentina vượt ngưỡng 100%
Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina tăng lên ngưỡng hơn 100% theo số liệu được công bố ngày 14/3 bởi cơ quan thống kê quốc gia INDEC, đẩy chính phủ vào cuộc chiến nhằm kiểm soát giá cả tăng cao.
CNN trích dẫn số liệu mới nhất của INDEC cho biết, giá cả tại Argentina trong tháng 2/2023 đã tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2022, đưa tỷ lệ lạm phát của nước này vào ngưỡng cao nhất trên thế giới. Với tình hình hiện tại, tỷ lệ lạm phát của Argentina chỉ đứng sau các quốc gia bao gồm Zimbabwe, Lebanon, Venezuela và Syria khi trong năm 2022. Tất cả các quốc gia này đều báo cáo mức lạm phát 3 con số.
Cụ thể, giá cả đã tăng 6.6% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay tại Argentina và tổng cộng 13,1% trong 2 tháng đầu năm gộp lại. Trong đó, thực phẩm và đồ uống nằm trong số những mặt hàng tăng giá mạnh nhất với mức tăng 9,8% trong tháng 2 so với tháng đầu năm 2023. Các lĩnh vực tăng giá mạnh tiếp theo là công nghệ thông tin và truyền thông với mức tăng 7,8% và dịch vụ khách sạn với mức tăng 7,5%.
Nền kinh tế Argentina trong khoảng thời gian gần đây vẫn luôn bị lạm phát làm tê liệt. Con số thống kê của tháng 2/2023 này là tháng thứ 13 liên tiếp quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận tỷ lệ lạm phát hàng tháng trên 4% - mức tối đa của một nền kinh tế khỏe mạnh.
Dữ liệu hôm 14/3 được công bố vào thời điểm phức tạp đối với Tổng thống Alberto Fernández - người đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 10 tới. Theo Financial Times, kết quả các cuộc thăm dò dư luận liên tục chỉ ra rằng lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của người dân Argentina. Tình hình lạm phát không có dấu hiệu cải thiện trong bối cảnh các nhà kinh tế dự đoán nó sẽ kéo dài trong suốt năm nay đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chính sách của chính phủ.
Để chống lại giá cả tăng cao và sự mất giá của đồng peso Argentina, CNN cho biết chính phủ đã trợ cấp một loạt tỷ giá hối đoái dành riêng cho các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Mục đích cuối cùng của việc này là giúp một số doanh nghiệp mua USD trên thị trường hối đoái rẻ hơn.
Ngoài ra, các nhà chức trách Argentina cũng đang thực hiện một kế hoạch kiểm soát giá cả gọi là “Precios Justos”, hay “Giá hợp lý”. Theo kế hoạch trên, chi phí của hơn 1.700 mặt hàng đã tạm thời được đóng băng cho đến tháng 12/2023.
Tuy nhiên, chính sách này được nhận định là không đủ để hạ nhiệt đà tăng giá do sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế Argentina. Trước đó vào năm 2021, các biện pháp kiểm soát giá tương tự từng được đưa ra nhưng nó không có nhiều tác dụng trong việc ngăn giá tăng vọt hay cải thiện tâm lý của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, IMF đầu tuần này đã kêu gọi Argentina nỗ lực mạnh mẽ hơn để giải quyết lạm phát nhằm giữ thỏa thuận cho vay trị giá 44 tỷ USD của mình với tổ chức này diễn ra đúng theo dự định. Cụ thể, IMF đã cảnh báo về “những thất bại trong chính sách” ở đây trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng và ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản - một nguồn thu quan trọng của chính phủ.
Tuy nhiên, Buenos Aires cũng đã vận động hành lang để giảm bớt một số mục tiêu đã thỏa thuận với IMF vào năm 2022 với lý do chiến sự tại Ukraine và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận