Lạm phát sẽ đẩy lãi suất ngân hàng tăng?
Nhiều ý kiến lo ngại lạm phát có khả năng tăng do nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Các dự báo cho thấy lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4 vừa được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng năm 2021 lãi suất có thể tăng nhẹ so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 2,3% cùng kỳ trong giai đoạn 2017-2019.
Lãi suất tiết kiệm tháng 4 không thay đổi
Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy của 30 ngân hàng ngày 6/4 cho thấy, đa phần các ngân hàng vẫn duy trì biểu lãi suất gửi tiết kiệm trong phạm vi từ 1 đến 36 tháng đã được triển khai từ trước đó.
Cụ thể, trong số 30 ngân hàng được thống kê có 5 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%, trong đó mức cao nhất thuộc về Eximbank với 8,4%/năm.
Trong số 25 ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dưới 7%/năm thì có 5 ngân hàng ghi nhận lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất trong khoảng từ 5,5% - 5,7% là: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV và VPBank.
Trước đó, trong tháng 3 lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất như: Techcombank, VPBank… Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1-0,2 điểm phần trăm, Techcombank là một ngoại lệ khi tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm 0,4-0,7 điểm phần trăm.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, nhưng nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.
Chẳng hạn, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank vẫn không thay đổi biểu lãi suất kể từ tháng 2 đến nay.Hiện mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ghi nhận được là 5,6%/năm được triển khai tại ngân hàng Agribank, BIDV và Vietinbank.
Riêng Vietcombank có biểu lãi suất khác biệt hơn so với 3 ngân hàng còn lãi. Phạm vi lãi suất tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng giao động từ 2,9%/năm đến 5,3%/năm. Trong đó lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất ở mức 5,5%/năm.
Theo các chuyên gia, tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhanh hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/3/2021, tăng trưởng cung tiền đạt 1,5% và tăng trưởng huy động vốn đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tín dụng tăng nhanh trong quý I với mức tăng 1,5% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,7% trong cùng kỳ năm 2020.
Lãi suất huy động đã chạm đáy
Các dự báo gần đây cho thấy, lãi suất huy động dường như đã chạm đáy. Vì vậy, dự báo quý II/2021, lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới.
VDSC nhận định rằng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ.
Cụ thể, tháng 3/2021, lạm phát toàn phần tăng nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ từ 0,7% của tháng 2 năm 2021, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua.
“Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay”, VDSC dự báo.
Ngoài ra, do những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt liên quan đến rủi ro đến từ Covid-19 và tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến trong quý I/2021, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021.
Theo dự báo của HSBC, hiện tại nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất thêm thời gian để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Thêm vào đó, lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên sẽ thu hút được tiền gửi của người dân.
Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, lãi suất huy động có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế, mặc dù số liệu về tăng trưởng tín dụng quý I năm nay vẫn chưa được công bố, nhưng theo tiết lộ của một số lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận đã tăng trưởng tích cực ngay từ tháng đầu năm khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần hồi phục.
"Tuy nhu cầu vay lớn nhưng các ngân hàng đều đang rất thận trọng trước sự tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung. Song, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu vay tăng nhanh, có khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng", TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận