24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát, Omicron, trú ẩn hay tăng tốc đầu tư thời gian tới?

Trong bối cảnh mới thách thức với lạm phát không còn “tạm thời”, biến chủng Omicron khiến cả thế giới lo ngại, xu hướng và kênh đầu tư nào còn “cửa sáng” là câu hỏi nhiều nhà đầu quan tâm.

TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Kinh tế nhận diện về xu hướng và các kênh đầu tư trong thời gian tới.

Vàng và nỗi lo “mất giá tiền đồng”

Giá vàng thế giới biến động tăng – giảm khá mạnh trong năm 2021 thể hiện xu thế giằng co giữa phục hồi kinh tế và lạm phát cao. Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại vào quý III/2021 dựa trên thông tin lạm phát cao được công bố vào giai đoạn này. Tuy nhiên nó cũng chưa vượt qua mức đầu năm 2021, và nhiều khả năng nó sẽ hạ nhiệt với những động thái kiểm soát cung tiền của Mỹ và EU, các dự tính tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và lạm phát sẽ được khắc phục vào năm 2022.

Giá vàng trong nước vẫn giữ đà tăng do nỗi lo đồng tiền mất giá và thiếu cơ hội đầu tư. Tuy nhiên với mức giá quá cao so với thế giới (khoảng 8 - 10 triệu đồng/lượng) sẽ khiến giá vàng trong nước khó tăng tiếp. Bên cạnh đó lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 vẫn trong mức kiểm soát (không quá 4%) cũng khiến giá vàng trong nước khó giữ đà tăng như 2020 – 2021.

Có nên nắm giữ ngoại tệ?

USD-Index phục hồi khá mạnh trong năm 2021, hiện ở mức 96,57 điểm (so với đầu năm là 89 điểm). Điều này sẽ gây sức ép cho tỷ giá USD/VND đang ở mức thấp. Ngoài ra năm 2021, Việt Nam đang nhập siêu nhẹ cũng làm tăng nhu cầu USD. Do vậy tỷ giá USD/VND có thể tăng trong năm 2022 với mức từ 3 - 4%.

Tỷ giá EURO/VND hiện là 25.493 đồng, giảm khá mạnh so với đầu năm. Tỷ giá EURO/USD cũng giảm mạnh, hiện còn 1,123 USD. Nhiều khả năng đồng EURO sẽ phục hồi trong năm 2022 sau một năm giảm sâu và với dự báo của World Bank và IMF về kinh tế EU sẽ tăng khoảng 4,3% trong năm 2022.

Tóm lại bên cạnh USD, thì đồng EURO cũng là một ngoại tệ khá tốt, có khả năng tăng giá trở lại trong năm 2022.

Tiết kiệm ngân hàng có còn hấp dẫn?

Trong 5 năm nay, cùng với việc lạm phát được giữ ở mức 2 - 3%, thì với lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm từ 6% - 7% giúp người gửi tiền có lãi suất thực dương khá tốt so với các kênh đầu tư an toàn khác như mua căn hộ cho thuê, giữ USD hoặc mua vàng.

Năm 2022 có khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tăng tới mức 4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn lãi suất kỳ hạn 1 năm. Ngoài ra giá vàng SJC đang ở mức cao so với giá vàng thế giới thì sẽ có khả năng giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp với mức 5,5% như năm 2021. Tóm lại với nhiều người chưa có cơ hội đầu tư rõ rệt, thì việc gửi tiền tiết kiệm với lãi suất từ 6% - 6.5%/năm hiện nay vẫn là một kênh tốt, giúp bảo toàn vốn (so với lạm phát) và có lời.

Lạm phát, Omicron, trú ẩn hay tăng tốc đầu tư thời gian tới?

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân đặc biệt khi chưa xác định được địa chỉ xuống tiền phù hợp

Có nên đầu tư trái phiếu lãi suất hơn 6,5%, hay nhiều cổ phiếu tăng bằng lần?

Hiện nay các công ty chứng khoán và nhà môi giới đang mời các nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp với mức sinh lời từ 9% - 12%. Nếu so với lãi suất tiền gửi trong khoảng từ 6 - 6,5% thì lãi suất này khá hấp dẩn. Tuy nhiên cần nhớ khi đầu tư trái phiếu thì không thể rút trước hạn nếu cần tiền đột xuất; và đặc biệt kênh này khá rủi ro do Việt Nam so với các nước phát triển vẫn chưa xây dựng được hệ thống công ty đánh giá độc lập uy tín xếp hạng rủi ro và không có giao dịch thanh khoản trên sàn. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đang cảnh báo và có những động tác kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, với đa số nhà đầu tư thận trọng thì chưa nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong lúc này.

Kênh đầu tư cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận rất cao cho các nhà đầu tư trong năm 2021, và đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia. Tuy nhiên kênh này được xem là tăng trưởng không dựa trên nền tảng phát triển kinh tế và doanh nghiệp, mà dựa trên dòng tiền đầu cơ ngắn hạn nên có rủi ro rất cao. Nguyên tắc thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ tăng khi nền kinh tế tích cực. Vậy vì sao TTCK đã tăng suốt 2 năm nay, ngược chiều nền kinh tế chịu ảnh hưởng vì COVID-19? Nhiều doanh nghiệp trên TTCK tăng 3, 4 lần dù không thay đổi bao nhiều chất lượng hoạt động, không có sản phẩm mới hay thị phần mới, nếu không muốn nói là có sự “co lại”?

Tóm lại thị trường đang dựa trên kỳ vọng tăng từ lực mua đổ tiền vào thì bất kỳ lúc nào cũng có thể quay đầu, và khi đến điểm quay đầu thì sẽ xuất hiện trạng thái tháo chạy và suy giảm mạnh. Thiệt hại sẽ luôn thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Như vậy, TTCK Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và không thể lạc quan trong năm 2022. Các nhà đầu tư không chuyên nghiệp với kênh này thì không nên tham gia vào giai đoạn hiện nay cho đến lúc thị trường điều chỉnh rõ rệt. Dự kiến thời điểm có thể đầu tư vào giữa quý 2/2022, nhưng vẫn cần thận trọng.

>>> Cảnh báo “bong bóng” chứng khoán: Thị trường đang tăng trưởng thiếu nền tảng

Sử dụng đòn bẩy tài chính vào bất động sản để sinh lời cao?

Trong góc độ ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn lớn vì tâm lý thận trọng sau giãn cách, vì các thu nhập của nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp đến đầu tư bất động bị giảm sút, khiến cho thanh khoản bị trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư đang đối diện với các khoản vay đến hạn. Tuy nhiên xét về trung hạn (2 - 5 năm), thì thị trường bất động sản vẫn ổn do nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đầu tư FDI và kéo theo thúc đẩy kinh tế nội địa. Với xu thế phát triển của xuất khẩu, của FDI sẽ giúp phát triển các Khu công nghiệp, các hạ tầng giao thông lớn, hệ thống cảng biển và tiến trình đô thị hóa. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản trong trung hạn.

Tóm lại, giai đoạn hiện nay không phải là giai đoạn lướt sóng bất động sản, do vậy việc vay vốn để kiếm lời nhanh là rất khó.

Một số vùng sẽ vẫn có cơ hội cho đầu tư bất động sản nhờ những yếu tố đô thị hóa và hạ tầng; nhưng những vùng đã tăng cao (trong các năm 2017 - 2020) thì rất khó mà tiếp tục tăng tốt như các năm trước, mà có khi còn giảm.

Những vùng đang có tiềm năng tốt (hạ tầng, đô thị hóa...) giá chưa tăng cao sẽ có thể tăng. Những nhà đầu tư phải nhắm tới trung hạn và chuẩn bị lực để “gồng lãi” nếu có vay ngân hàng.

Theo đó, chỉ vay, với tỷ lệ phù hợp, để đầu tư nếu bất động sản có vị trí tốt, tùy phân khúc và sản phẩm đầu tư cụ thể.

Xu hướng chung: Trú ẩn hay tăng tốc đầu tư?

Giai đoạn này vẫn là giai đoạn thận trọng, khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Do vậy đây không phải là giai đoạn mở rộng, thậm chí bỏ bớt một số lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh để tập trung vào sản phẩm chủ lực, bảo đảm nguồn lực cho sự cạnh tranh và vượt qua giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn cần đầu tư theo hướng tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ và tổ chức lại sản xuất để thích ứng và phục hợp với nền kinh tế mới.

Đối với nhà đầu tư cá nhân thì kênh gửi tiền tiết kiệm và đầu tư bất động sản vẫn là 2 kênh phù hợp, đặc biệt khi có vốn nhàn rỗi và chưa xác định được địa chỉ đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả