Lạm phát ở Mỹ tăng kỷ lục trong 31 năm
Giá hàng hoá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh khi người dân nước này phải trả nhiều tiền hơn cho xăng dầu và thực phẩm, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 31 năm. Tình trạng báo hiệu lạm phát có thể tiếp tục cao trong năm sau vì các chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Áp lực lạm phát cũng xuất phát từ thị trường lao động, khi tình trạng thiếu người làm đang đẩy giá tiền lương tăng lên. Tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất trong 20 tháng, theo số liệu thống kê công bố ngày 10/11.
Lạm phát cao làm mất giá trị của việc tăng lương, gây thêm rủi ro chính trị cho Tổng thống Joe Biden khi tỷ lệ ủng hộ ông đang giảm sút vì người Mỹ lo lắng hơn về nền kinh tế. Nhà Trắng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khẳng định giá hàng hoá sẽ giảm sau khi tình trạng "nút thắt cổ chai" trong các chuỗi cung ứng được giảm bớt.
“Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát đang tăng lên, cho thấy lạm phát sẽ tồn tại lâu hơn dự đoán của Fed”, Andrew Hunter, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng phân tích Capital Economics, đánh giá.
Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 0,9% trong tháng 10, sau khi đã tăng 0,4% trong tháng 9, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11. Mức tăng lớn nhất trong nhiều tháng đẩy CPI của năm tăng 6,2%. Đây là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ tháng 11/1990.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 tăng mạnh chủ yếu do giá xăng dầu tăng 6,1%, trước đó đã tăng 1,2% trong tháng 9; giá thực phẩm tăng 0,9%. Giá thuê nhà, giá bán xe cũ và xe mới cũng tăng.
Lạm phát nóng lên khi hàng ngàn tỷ USD tiền hỗ trợ từ các chính phủ trên thế giới đang làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu càng chịu thêm áp lực khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây gián đoạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận