menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sao Mai

Lạm phát năm nay dự báo tăng 3,9-4,8%

Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong quý II vẫn còn và dự báo lạm phát năm nay tăng từ 3,9% đến 4,8%, gần sát mục tiêu được giao là 4,5%.

Dự báo này được Bộ Tài chính nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, ngày 24/3 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,1-0,2% so với tháng 2, nhưng tăng 3,4-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý I, CPI ước tăng 4,2-4,3% so với cùng kỳ 2022.

Lạm phát tăng trong quý I chủ yếu do các nhóm hàng hóa dịch vụ chiếm trọng số chính trong rổ tính CPI xu hướng đi lên. Chẳng hạn, giá vật liệu xây dựng tăng 7,2% làm CPI tăng khoảng 1,4%. Các mặt hàng thực phẩm đắt thêm 4,5% đẩy chỉ số giá tiêu dùng thêm 1%.

Nhưng cũng có những mặt hàng giảm giá, như xăng dầu hạ 11%, giá gas 1,8% hay nhóm bưu chính viễn thông 0,3%, giúp CPI ba tháng đầu năm hạ nhiệt 0,03-0,4 điểm phần trăm.

Tuy vậy, Bộ Tài chính nhìn nhận áp lực tăng giá trong tháng 4, quý II trước những bất ổn tình hình quốc tế và nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới.

Cơ quan này đưa ra các kịch bản dự báo lạm phát năm nay, tăng 3,9-4,8% so với 2022. Các kịch bản đưa ra trên cơ sở tính toán, dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), giá điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.

Nhưng Bộ này giả định, 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì chỉ số giá tiêu dùng mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52%. Như vậy sẽ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.

Trên cơ sở ba kịch bản dự báo lạm phát năm nay, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát, phân tích kỹ các tham số đầu vào - ra để hoàn thiện các kịch bản điều hành giá. Kịch bản điều hành phải bám sát chính sách tài khóa, tiền tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, phấn đấu đạt thấp hơn kế hoạch 4,5%.

Góp ý giải pháp điều hành, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, giá nhiều mặt hàng giảm trong quý I nhưng vẫn neo ở mức cao và tăng trưởng khó hơn năm 2022. Sắp tới tính bất ổn rất cao, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, bà Hương đề nghị quản lý chặt và có lộ trình tăng phù hợp với các mặt hàng như y tế, giáo dục, điện.

Về dịch vụ giáo dục, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, Chính phủ đã quyết giữ ổn định học phí 2022-2023 như năm 2021-2022 nên đến tháng 8 tới, học phí sẽ không tăng. Bộ đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh phù hợp sau tháng 9/2023.

Về giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nói do từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở nên giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh. Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, trong đó, Bộ đề xuất các mức giá phù hợp với lộ trình và mặt bằng xã hội, đồng thời bảo đảm được nguồn thu cho cơ sở y tế công lập, nâng cao đời sống cho y bác sĩ.

Ngoài ra các địa phương cần tăng vai trò quản lý nhà nước về giá. Ông ví dụ Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa vào cuộc kiểm tra vấn đề kê khai, niêm yết giá rất tốt.

Việt Nam không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra hàng hóa. Ở trong nước, doanh nghiệp đã phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn. Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan theo dõi sát diễn biến kinh tế, lạm phát thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá, lạm phát trong nước và có biện pháp ứng phó phù hợp.

"Tinh thần là sẵn sàng các biện pháp để ứng phó nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu", ông nói.

Với chính sách tiền tệ, Phó thủ tướng yêu cầu điều hành chủ động nhằm kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ở mức hợp lý, không để ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các bộ ngành, nghiên cứu kỹ, đánh giá các yếu tố tác động trong trường hợp tăng giá điện, dịch vụ giáo dục, khám chữa bệnh để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
2 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại