24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phương Nam Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát Mỹ: Liệu đã thực sự hạ nhiệt?

Tuần qua, ngày Thứ Tư 12/7, các thị trường tài chánh Hoa Kỳ đều mừng khi thống kê chính thức từ Văn phòng bộ Lao Động về Chỉ số Hàng tiêu thụ (Consumer Price Index) cho thấy mức lạm phát trong Tháng Sáu đã giảm - chỉ còn 3%. Khi đó, người viết này đang lè lưỡi lóc cóc về ‘lạm phát và kinh tế toàn cầu’ bèn dừng tay suy ngẫm và dù chẳng bói đã gõ ngay rằng bà con ơi, xin chớ vội mừng!


Hôm nay xin cố giải thích tại sao khi đó lại nghĩ vậy (và xin lỗi trước nếu trình bày chưa đủ giản dị cho mọi người chúng ta cùng hiểu một vấn đề hơi chuyên môn!)

Thứ nhất, về phương pháp thống kê. Các chuyên gia của BLS - Bureau of Labor Statistics, Văn phòng Thống kê Lao động - trong Bộ Lao Động hàng tháng thu thập các dữ kiện thống kê về vật giá của khoảng 80 ngàn loại hàng tiêu thụ, rồi khai thác, phân tách và công bố kết quả cho dân chúng biết. Văn phòng được lập ra từ 1884, mà lối tổ chức và các phương thức khai thác thống kê được cải tiến để từ một nhóm dân số mẫu có thể suy ra tình hình của 93% mọi ngành trên toàn quốc.

Đó là về không gian.

Về thời gian thì Chỉ số CPI thu thập trong Tháng Sáu năm nay (tôi cố viết hoa các ngày và tháng vì dân ta lạng quạng từ hơn trăm năm về cách đếm ngày và tháng!) được so với Tháng Sáu năm trước để xem giá tiêu thụ CPI lên/xuống bao nhiêu trong một năm.

Vừa qua, sai biệt CPI từ Tháng Sáu 2022 qua Tháng Sáu 2023 khiến ta nói lạm phát quy ra toàn năm (thuật ngữ chuyên môn là year-over-year) là 3%, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (từ nay gọi tắt là Fed) tự đặt tiêu chí là giữ lạm phát ở 2% thôi.

Lạm phát từ hơn 6,4% cuối năm ngoái mà sụt đến 3% thì đấy là tin mừng chứ gì?

Lạm phát Mỹ: Liệu đã thực sự hạ nhiệt?

📌Lý do thứ nhất:

Về khái niệm lạm phát qua CPI: Cơ quan hữu trách về thống kê lập ra một cái giỏ gồm các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu biểu, coi như giỏ mẫu cho người tiêu thụ, để có Chỉ số CPI là con số tích lũy và khá chi tiết. Khi so Chỉ số này ở hai thời điểm thì ta có sai biệt về vật giá, là lạm phát nếu CPI tăng, và giảm phát nếu CPI giảm.

Chỉ số CPI Tháng Năm 2022 là 292,296 qua Tháng Năm 2023, nó là 304,127 (để ý đến ba con số sau dấu phẩy, thương quá!) Lấy CPI mới chia cho CPI cũ (304,127 ÷ 292,296) thì ta có 1,04. Con số 04 đó là 4%: lạm phát quy ra toàn năm giữa Tháng Năm 2023 với cùng kỳ năm ngoái là 4%.

Vật giá mà tăng 4% hay 3% là tùy vào vật giá hồi Tháng Năm, Tháng Sáu năm ngoái. Trong một năm, ta có 12 mức lạm phát của 12 tháng. Vậy sao vội mừng với một con số 3% lẻ loi?

Huống hồ, nhớ lại số liệu 2022, ta thấy Chỉ số CPI của nửa năm sau lại khựng, chập chờn ở khoảng 295 thôi. Vậy mà thị trường vẫn có ấn tượng bị lạm phát cao vì so với tình hình vật giá năm 2021. Nếu suốt nửa năm tới, lạm phát vẫn ở mức 3% đang được coi là tốt đẹp thì so với vật giá nửa sau của năm 2022 (đã bị khựng), mức lạm phát vào CUỐI NĂM NAY Có thể là 4,3%!

📌 Lý do thứ hai khiến ta chưa lạc quan

Năm 2008, 15 năm trước, Fed có thời bi hùng (bi thảm vì hùng hục) học chánh sách tiền tệ Nhật Bản với ký tự viết tắt ZIRP và QE, (Zero Interest Rate Policy và Quantitative Easing). Hạ lãi suất đến sàn rồi còn bơm thêm tiền để “tăng mức lưu hoạt có định lượng”. Ngân hàng Trung ương Liên Âu cũng vậy và kéo dài khủng hoảng. Ngày nay, Fed học từ tấm gương về bao lệch lạc do chánh sách quá đáng và bị duy trì quá lâu đã gây cho thị trường nên đang… bước sang bên kia tấm gương: tăng lãi suất.

Nhưng từ khi khóa dần vòi lãi suất đến lúc thấy ra hậu quả bất lường lại có thời khoảng cách biệt, ở giữa là vùng khan hiếm làm vài ngân hàng nằm chỏng gọng vì quản lý kém, nay thiếu bạc mặt! Nếu Fed lật đật bơm tiền cứu các thân chủ ký thác vào ngân hàng thì lại gây ra nạn ‘ỷ thế làm liều’ (“moral hazard”, thuật ngữ bảo hiểm). Ta hiểu tại sao Thống đốc Jerome Powell phát biểu thận trọng hơn mọi chính trị gia trên đời, rằng hội đồng tiền tệ “sẽ lấy quyết định trong TỪNG buổi họp, trên cơ sở của MỌI dữ kiện thu thập được”.

Khi nhớ lại lý do vừa nói về kết cấu và sự xê dịch từng tháng của Chỉ số CPI, ta thông cảm với lời phát ngôn và quyết định của Powell. Nhân vật đó biết không thể bịt mắt tắt đèn mà tính: mọi cử chỉ, hành vi hay phát biểu đều được theo dõi rồi loan tải 24 tiếng một ngày – trên toàn thế giới. Ông càng biết nửa sau của năm, từ Tháng Bảy mới là điểm lật vì người ta sinh hoạt theo mùa và mỗi dữ kiện chứng minh lạm phát sẽ cao hơn 3% lại gây thêm áp lực cho Fed. Mà nâng lãi suất quá thì có thể dẫn đến nạn suy trầm (recession).

📌 Bây giờ ta ngó đến lý do thứ ba

Hãy xem Chỉ số CPI gồm có gì, sau đó xin nhớ một quy luật lạ: thay đổi nhỏ của một phần lớn trong Chỉ số hoặc thay đổi lớn của một phần nhỏ trong Chỉ số đều tác động vào lạm phát!

Hãy cùng trở về 2022: Chỉ số CPI Tháng Sáu 2022 là ‘điểm lật’ (inflection point). Vì giá dầu thô tăng vọt khi Nga tấn công Ukraine rồi luồng cung cấp lẫn các biến động quốc tế khác làm giá dầu lên tới đỉnh vào Tháng Sáu. Sau đó là tuột! Xăng dầu chiếm có 17% ngân sách gia đình, nhưng gộp chung thành năng lượng (energy) thì liên can đến vận tải, giải trí, chi phối việc chuyển vận thương phẩm, vật liệu xây cất, thức ăn, nên giá cả lên xuống là tác động vào lạm phát mạnh hơn ta nghĩ. Đó là “em nhỏ mà lắc to” và em thường không báo trước.

Trường hợp kia còn đáng chú ý hơn: phí tổn về gia cư (cho chủ nhà hay người thuê) là khoản chi lớn nhất và ảnh hưởng mạnh đến lạm phát trong suốt năm 2022 qua tới 2023, từ 9% đến 10%. Khái niệm “gia cư” (housing) có thể gây hiểu lầm, Văn phòng BLS có loại “shelter” là Ngụ cư, và có Chỉ số CPI mà không tính Năng lượng và Ngụ cư. Chỉ số này cũng có đặc tính tăng vọt đến Tháng Sáu như năm ngoái rồi bắt đầu giảm (“điểm lật”).

Cho nên ta bi quan là phải! Nhưng chưa hết, thưa quý vị… Vì Fed phải lách qua mối nguy lạm phát mà không lọt xuống hố suy trầm, kéo theo một tai họa mà năm ngoái ông Powell đã nói tới: nạn thất nghiệp!

Năm ngoái, muốn chứng tỏ ý chí chặn đứng lạm phát, ông còn liều lĩnh bảo rằng dù có thất nghiệp cao hơn thì cũng đành. Bây giờ, ông phải chặn hai thùng thuốc súng năng lượng và gia cư, rồi mong báo chí cùng chính khách đừng ném mồi lửa vào đó, trong khi mình cố tránh được suy trầm cùng nạn thất nghiệp!

Để (tạm) kết luận, chúng ta có thể nghĩ lạm phát từ nay đến cuối năm có thể ở giữa 3,10% với 5,50%, nhiều phần sẽ gần 4% hơn 2% như Fed trông đợi.

Nguồn: Sưu tầm

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trong chu kỳ kinh tế, dòng tiền đầu tư được luân chuyển giữa các loại tài sản đầu tư khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận. Hiện nay Sở giao dịch hàng hóa VN mới được cấp phép liên thông trên thị trường hàng hóa quốc tế. Thông qua Sở mình có thể đầu tư trực tiếp trên các sàn hàng hóa thế giới, với các sản phẩm thiết yếu như là: Dầu thô, Bạc, Cà phê, Đường, ...

Nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch trực tiếp trên thị trường hàng hoá của Bô Công Thương để tận dụng cơ hội hiện nay. Với nhiều ưu điểm như: Long, Short, T0 .

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Nguyễn Phương Nam Pro

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả