menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Xuân Hải

Lạm phát mất niềm tin

Thế này lạm phát bất an còn kéo dài, chính sách tiền tệ sẽ còn thắt chặt khoảng 1,5-2 năm và dường như kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi sau đó sẽ diễn ra theo kịch bản mới: toàn cầu hoá cáo chung để thế giới phân ranh.

1.

a. Chủ tịch NHTW châu Âu ECB Christine Lagarde đánh giá lạm phát ở khu vực EURO chưa đạt đỉnh. Nghĩa là quá trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc. Bà nói tại Nghị viện châu Âu ở Brussels ngày 28/11:

“Tôi cũng muốn lạm phát đạt đỉnh vào tháng 10 này lắm nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Có quá nhiều điều bất định, đặc biệt là việc thẩm thấu chuyển giá năng lượng cao từ thị trường bán buôn vào sản phẩm bán lẻ. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ai đó nói rằng lạm phát đã lên đến đỉnh."

Trong đợt khảo sát của Bloomberg các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng CPI khu vực EURO có thể chậm lại lần đầu tiên sau 1,5 năm phi mã vào tháng 11 này nhưng nó vẫn sẽ duy trì ở mức trên 10%, dự là 10,4-10,5%.

Dấu hiệu chỉ ra các dấu hiệu cơn khát tăng lãi suất của ECB có thể giảm bớt sau khi lãi suất cơ bản, kéo theo nó là chi phí vay tăng mạnh và 19 thành viên khu vực đồng EURO đang đối mặt với suy thoái chưa thấy.

Một số thành viên ECB đã kêu gọi giảm tốc độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên đa số thấy có rất ít cơ hội để giảm vì lạm phát hiện cao hơn năm lần so với mục tiêu 2%. Thống đốc NHTW Hà Lan Klaas Knoth cho rằng châu Âu phải chuẩn bị một "thời gian dài" cho đến khi ECB đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Thống đốc NHTW Đức Joachim Nagel cho biết ECB không nên nới lỏng chính sách tiền tệ "quá sớm".

Bà Lagarde nói: “Trong môi trường có nhiều bất ổn này và với những cú sốc phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế, các quyết định của ECB sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu và tuân theo cách tiếp cận của từng cuộc họp. Chúng ta cần tiến bao xa hơn bao nhiêu và cần đến đích nhanh như thế nào sẽ dựa trên triển vọng cập nhật của chúng ta, sự xuất hiện dồn dập của các cú sốc, phản ứng của tiền lương và kỳ vọng lạm phát, cũng như đánh giá của chúng ta về tác động của chính các chính sách của chúng ta”.

Bà cho rằng điều đó có thể đẩy chi phí đi vay lên cao đến mức hạn chế tăng trưởng kinh tế, nhưng khi áp lực lạm phát vẫn còn thì phải chấp nhận điều ấy.

“Bất cứ khi nào hỏi các nhà kinh tế hàng đầu tại ECB về rủi ro, câu trả lời tôi nhận được vào lúc này luôn luôn là: rủi ro đang tăng cao hơn”.

Mọi quan tâm đang nhắm đến cuộc họp của ECB tuần sau: tăng 0,75% hay 0,5%?

Chắc là 0,50%!

Tại cuộc họp này cũng sẽ quyết định các bước giảm bảng TKTS của ECB thông qua việc bán bớt trái phiếu - tức tiếp tục hút tiền về. Bứic đi logic như dự báo trước đây.

b. Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng tới. Lý do thứ tư vừa qua số lượng việc làm mới tại Mỹ trong tháng 10 đã giảm xuống còn 10,3 triệu, đảo ngược mức tăng bất ngờ trong tháng 9. Nhu cầu tuyển dụng đang giảm bớt.

Như vậy có thể dự báo FED sẽ tăng lãi suất nhưng không còn mạnh như trước mà sẽ ở mức thấp hơn. Kỳ vọng: 0,5%.

c. Lạm phát toàn cầu có dấu hiệu đạt đỉnh.

Chuỗi cung ứng bị đảo lộn do đại dịch và cuộc chiến của Nga ở Ucraina đang thiết lập mới, giá thực phẩm dịu lại và nhiên liệu cũng giảm do quan ngại suy thoái.

Các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã có tác dụng nhưng chắc chắn lạm phát sẽ còn kéo dài bởi tính nửa vời - thắt lưng nới bụng như tôi từng nhận xét.

Bloomberg Economics ước tính lạm phát trên toàn cầu Q.3 sẽ là 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức 9,5% trong ba tháng cuối năm 2022. Lạm phát dự sẽ ở mức 5,3% cuối năm 2023. Và Trung Quốc vẫn đi không giống ai (xem hình).

Các nhà kinh tế trong một khảo sát của Reuters cho rằng lạm phát Eurozone năm nay là 8,5%, 6% cho năm 2023 và chỉ đạt mức mục tiêu 2% vào năm 2025.

Rủi ro thì vẫn còn: Chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, giá hàng hóa có thể tăng trở lại nếu Trung Quốc mở cửa nới lỏng chính sách Zero-Covid và người lao động bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt cao có thể tiếp tục đòi hỏi tăng lương, xung đột Ucraina vẫn đang leo thang.

2.

Thế giới bước vào thời kỳ lạm phát không ổn định do quá nhiều yếu tố bất ổn và khó dự báo tác động.

Các đợt lạm phát trước đây nguyên nhân tiền tệ là chính và các biện pháp tiền tệ tài khoá đồng bộ, toàn cầu và đơn mục tiêu đã tạo niềm tin vững mạnh, kỳ vọng rõ nét và đem lại hiệu quả khá nhanh.

Bây giờ thi khác. Thời đại tiền tệ dễ dãi kéo dài tạo quả bom tiền tệ, đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu để rồi khi tiêu dùng quay lại kích hoạt vụ nổ lạm phát. Để ngăn ngừa thảm hoạ khủng hoảng tài chính các NHTW phải chấp nhận lạm phát kéo dài áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nửa vời, các hoạt động địa chính trị rối rắm đỉnh điểm là cuộc chiến Ucraina, kéo theo cuộc chiến tiền tệ công khai hơn và các quyết định kinh tế trọng yếu như lãi suất, chuyển đổi xanh v.v. mang màu sắc chính trị nhiều hơn.

Điều ấy làm các nhà hoạch định kinh tế, giới học thuật mất định hướng và lúng túng khi đánh giá. Hậu quả là nhãn tiền: mất niềm tin vào tính hiệu quả của cơ quan hoạch định chính sách.

Lạm phát mất niềm tin trở thành nguy cơ mới. Khi mất niềm tin thì kỳ vọng mất phương hướng. Mà các công cụ tiền tệ chỉ có tác dụng nếu tạo nên kỳ vọng lạm phát đẳng hướng nhắm về mục tiêu mà các NHTW muốn.

Việc các NHTW cần làm bây giờ là củng cố kỳ vọng lạm phát của người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu bình luận kinh tế về cùng một điểm: lạm phát kỳ vọng và thời điểm.

Tóm lại lãi suất vẫn tăng và chưa thấy điểm dừng trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư đang đỏ mắt tìm kiếm ánh sáng cuối đường hầm đầy sương mù nhưng chưa thấy.

Đường còn dài.

3.

Bất an là thách thức và cũng là cơ hội. Những ai đang hưởng lợi?

a. Nước Mỹ tận dụng cơ hội của lạm phát và bất ổn quá tốt. Thế và lực của Mỹ đang lên rất mạnh so trước đây 10 năm.

Nước Mỹ hút về mình dòng vốn đầu tư và cùng với nó là dòng chảy công nghệ lõi. Chương trình trợ giá năng lượng xanh của Mỹ làm châu Âu điên tiết nhưng vẫn phải dịu giọng bởi xung đột Ucraina leo thang và châu Âu tham gia sâu không thể dừng lúc này. Hơn thế nữa giá trần dầu mua của Nga dường như thành giá sàn bán dầu của Mỹ. Ai đó có thể khó chịu… nhưng đó không phải là điều chính nước Mỹ nhắm đến - vấn đề không phải ở chỗ Mỹ hưởng lợi giá dầu. Nếu chỉ thế thì đó là chuyện vặt cho những suy nghĩ ngắn hạn và lợi ích vặt vãnh. Cái lợi chính là cuộc chơi đã do Mỹ kiểm soát toàn bộ. Và vị thế của Mỹ là kẻ cầm luật chơi.

b. EU và Nga sẽ tiếp tục gặm cắn nhau cho vài chục năm tới. Giấc mơ một châu Âu thống nhất tan vỡ. Toàn cầu hoá chấm dứt.

Mỹ có thể tạm quên đe doạ mang tên Nga ít nhất trong 5-10 năm: Nga chỉ tập trung cho Ucraina và châu Âu là hết lực. Có nhớ thì chỉ nhớ kho vũ khí hạt nhân của Nga mà thôi.

Châu Âu phụ thuộc Mỹ hơn bao giờ hết.

Nga và Ucraina sẽ thoát ra khỏi cuộc xung đột này bằng cách nào ngoài chuyện nện nhau đến kẻ thắng người thua? Hiện chưa thấy. Và cũng chưa ai cho.

Nga và châu Âu ôm nhau chìm vào bể khổ kinh tế. Xong phim… cho nhiều tập.

Giờ Mỹ sẽ chọn thời cơ và cách quay lại đề tài Trung Quốc - đối thủ chính và có thể sẽ rút bài học của cựu TT Trump không theo kiểu Sơn Đông mãi võ nữa. Trung Quốc chỉ cần thử mở cửa sẽ thấy. Mỹ nhắm mắt cho Trung Quốc, Ấn Độ mua dầu Nga. Đó cũng là cái van để Nga thở. Nhưng được bao lâu: phụ thuộc Mỹ Trung sẽ vật nhau kiểu võ gì.

Thế cờ này của Mỹ khó chịu phết khi các nước đi dường như duy nhất.

c. Đối trọng đáng kể với Mỹ chỉ có Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn đi hai hàng: tạm thời Trung Quốc vừa cần công nghệ của phương Tây và Mỹ vừa cần tài nguyên của Nga.

Mối quan hệ với Nga rất quan trọng đối với Trung Quốc và cần được gắn vào bối cảnh quan hệ Mỹ Trung đã bước vào kỷ nguyên đối đầu. Trung Quốc không có thái độ đạo đức đối với cuộc chiến Nga Ucraina. Và không chỉ Trung Quốc.

Biên giới của Nga Trung rộng nên quan hệ với Nga rất quan trọng để giữ bình an ở đây khi đối đầu với Mỹ. Đó có lẽ là thế khoá của Nga với Trung. Trung Quốc và Nga là những nền kinh tế hiện bổ sung cho nhau: Trung Quốc cần tài nguyên thiên nhiên và Nga cần hàng hóa tiêu dùng và công nghệ công nghiệp.

Về mặt công khai, Trung Quốc ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina và không công nhận sáp nhập 4 vùng đất vào Nga nhưng họ cũng không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây. Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga và không vi phạm các lệnh trừng phạt chính của Mỹ nhưng vẫn tích cực đẩy mạnh thương mại mua tài nguyên giá rẻ của Nga.

Bên cạnh đó nhu cầu tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc là rất quan trọng đối với châu Âu. Trung Quốc đang lợi dụng điều này trong quan hệ với châu Âu. Và hơn thế nữa ông Tập hiểu rằng kể cả khi gây áp lực lên TT Putin Trung Quốc cũng chả được lợi lộc gì nhiều từ phương Tây cả.

Do đó miễn là cánh cửa công nghệ của Mỹ và châu Âu không đóng hoàn toàn với Trung Quốc thì nước này vẫn tiếp tục hành xử như đã. Trung Quốc hiểu rõ rằng cánh cửa này sẽ dần đóng lại nên hiện càng tranh thủ thu hút được nhiều công nghệ càng tốt. Trung Quốc có thể tiếp tục hành động như hiện nay rất lâu. Cho đến khi thời thế thay đổi với họ. Trung Quốc là nước hưởng lợi thứ 2.

d. Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế đặc biệt, vừa là thành viên NATO vừa xích gần và nợ ân tình với Nga, nhưng đồng thời lại có mâu thuẫn với Nga ở Syria và Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì vai trò là trung tâm vận tải và hậu cần cho Nga, đồng thời sử dụng vị thế này để gây sức ép với Nga và Armenia ở Karabakh. Thổ là nước hưởng lợi không ít về chính trị. Mỗi cách điều hành kinh tế kiểu Thổ chả giống ai nên chưa thấy lợi lộc gì.

e. Ấn Độ có kim ngạch thương mại tương đối nhỏ với Nga, nhưng lại phụ thuộc vào Nga về vũ khí. Trong bối cảnh Trung Quốc xích lại gần Nga, Ấn Độ đang cố gắng dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc này. Điều ấy đòi hỏi thời gian. Còn hiện tại nước này đang tăng cường mua dầu ở Nga. Nói chung, cách tiếp cận của Ấn Độ là thực dụng và âm thầm hưởng lợi.

f. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Arab Saudi, thái độ đón tiếp và 8 sáng kiến của ông Tập trong hợp tác kinh tế, văn hoá, quốc phòng Trung Quốc - Arab Saudi là một bước đi khá ấn tượng nhưng mới chỉ là lời nói. Chỉ thú vị là Arab Saudi đang được bảo đảm an ninh bởi Mỹ!

4.

Thế này lạm phát bất an còn kéo dài, chính sách tiền tệ sẽ còn thắt chặt khoảng 1,5-2 năm và dường như kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi sau đó sẽ diễn ra theo kịch bản mới: toàn cầu hoá cáo chung để thế giới phân ranh.

Các nỗ lực xây dựng hệ thống tiền tệ, thanh toán và tài chính song song với đồng USD sẽ tiếp tục không ngừng nghỉ.

Tiền, nói cho cùng, cũng là công cụ quyền lực. Các quốc gia có nền chính trị khác biệt phương tây như Nga, Trung, thế giới Arab… sẽ là nhà tài trợ chính.

5.

Xu thế địa chính trị ở một điểm của địa cầu tại một thời điểm luôn gắn với xu thế dòng chảy của đồng tiền, chịu tác động bởi lợi ích cốt lõi các quốc gia liên quan và diễn ra theo logic của người sở hữu Đạo lý .

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lý Xuân Hải

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

6 Yêu thích
6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại