Lạm phát liệu có tạo áp lực trong huy động tiền gửi?
Các tháng cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đặc biệt, trong quý IV năm nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục khi trải qua thời gian dài giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Cùng với đó, Chính phủ đang tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ không còn dồi dào.
Các chuyên gia cho rằng, trong năm nay dự báo lạm phát ở mức 2,5%, trong khi mức Quốc hội cho phép là dưới 4%. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dự báo lạm phát tăng mạnh có thể từ 3,5 – 4%. Khi lạm phát gia tăng, người dân sẽ tăng cường việc bảo vệ tài sản nên sẽ xảy ra tình huống người dân rút tiền khỏi ngân hàng nếu lãi suất không đạt kỳ vọng. Để giữ được tính thanh khoản, có được khả năng cho vay, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất đầu vào, nhất là những ngân hàng nhỏ, tính thanh khoản yếu, vốn ít trong thời gian tới.
“Ngay từ lúc này, một số ngân hàng có quy mô nhỏ, khó khăn vốn đầu vào có động thái tăng lãi suất tiền gửi để chuẩn bị nguồn vốn cho năm tài chính mới. Mặt khác tránh việc người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Thậm chí dự báo chi tiết hơn về thời điểm áp lực lạm phát, kéo theo đó là khả năng lãi suất tăng, lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại có quy mô lớn tại Hà Nội cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng nhanh trong đầu năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021 sẽ tạo áp lực cho các ngân hàng trong việc huy động tiền gửi.
"Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, chúng tôi ước tính CPI bình quân 2022 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2022 tăng 30% so với cùng kỳ. Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng)", vị giám đốc này dự báo.
Trong báo cáo vừa phát hành của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TS Cấn Văn Lực đưa ra dự báo trong những tháng cuối năm, lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp khi kinh tế bước đầu vào quá trình phục hồi. Tuy nhiên, trong năm 2022, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng nhẹ (đặc biệt là trong nửa cuối năm) khi kinh tế phục hồi mạnh hơn khiến nhu cầu tín dụng tăng lên và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận