Lạm phát, kinh tế suy yếu đang giúp các nhà sản xuất ôtô giải quyết gọn bài toán đau đầu nhất từ trước đến nay
Trong vài tuần qua, nguồn cung chip toàn cầu cho các hãng sản xuất ôtô bất ngờ ổn định trở lại, giúp các nhà sản xuất này đẩy nhanh sản xuất để trả các đơn hàng đã nợ từ rất lâu.
Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, vốn làm "sa lầy" ngành công nghiệp ôtô toàn cầu trong gần 2 năm qua – đang có dấu hiệu giảm bớt, ít nhất là vào lúc này.
Mercedes Benz AG, Daimler Truck Holding AG và BMW AG là 3 trong số các nhà sản xuất ôtô hiện đã có đủ các linh kiện để sản xuất với công suất đầy đủ sau nhiều tháng ngừng hoạt động hàng loạt nhà máy.
Bước đột phá đến sớm hơn dự đoán của phần lớn các công ty, là điểm sáng cho một ngành công nghiệp đang đối mặt với đầy rẫy khó khăn do lạm phát, trong khi các nhà sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi lịch sử sang loại phương tiện mới là xe điện. Việc cải thiện nguồn cung chip là tin không thể mừng hơn với các nhà sản xuất nhưng vẫn còn đó một vài lo lắng.
"Chúng tôi vẫn theo dõi nguồn cung chip từ tuần này sang tuần khác, nhưng cho đến nay về cơ bản đã không gặp vấn đề gì trong vận hành sản xuất", Joerg Burzer - trưởng bộ phận sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng của Mercedes cho biết. Các vấn đề về nguồn cung vẫn "xuất hiện đâu đó", ông nói, "nhưng không là gì so với năm ngoái".
Giai đoạn trước, ngay cả khi nhu cầu ôtô bùng nổ, các nhà sản xuất vẫn phải cắt giảm sản lượng do các nhà máy trên toàn cầu không thể cung cấp đủ chip cho các mẫu xe thế hệ mới. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức sản lượng xe toàn cầu hầu như không có dấu hiệu phục hồi về mức trước đại dịch.
Doanh số xe toàn cầu còn cách rất xa so với thời điểm trước đại dịch.
Tuy nhiên, khi nguồn cung chip cải thiện, các nhà sản xuất ôtô đã lập tức gia tăng được hàng tồn kho, giải quyết các đơn hàng còn tồn đọng. Trọng tâm chú ý của họ giờ đây sẽ chuyển sang việc nhu cầu của người tiêu dùng sẽ ra sao trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh và lãi suất cao hơn.
CEO của Tesla là Elon Musk cho biết công ty này cần cắt giảm 10% nhân viên và rằng ông có "một cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế, theo Reuters.
Nhưng không phải ai cũng bi quan như Elon Musk. Tâm lý của các nhà sản xuất ôtô Đức đã được cải thiện đáng kể trong tháng 5, theo khảo sát của Viện Ifo. Cuộc khảo sát cho thấy niềm tin ngày càng tăng của các nhà sản xuất ôtô, rằng họ có thể tăng giá xe để đối phó với chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Nguồn cung chip cho ôtô tăng lên một phần nhờ lạm phát và triển vọng kinh tế suy yếu. Điều này khiến nhu cầu mua các thiết bị điện tử tiêu dùng giảm đi, đồng nghĩa lượng chip dư thừa tăng lên. Karin Radstrom – người đứng đầu thương hiệu Mercedes của Daimler Truck cho biết công ty hiện đã nhận được những con chip cần thiết để giải quyết tình trạng tồn đọng của các đơn hàng.
"Nó không hoàn hảo nhưng tốt hơn năm ngoái", Radstrom nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi cố gắng không ăn mừng quá sớm. Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình".
BMW cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự, cho biết tất cả nhà máy đang hoạt động và công ty không gặp bất kỳ sự ngừng trệ nào do nguồn cung chip.
"Hiện tại, tình hình đã ổn định hơn một chút", một phát ngôn viên của hãng cho biết, đồng thời khẳng định BMW vẫn theo dõi việc cung cấp chip hàng ngày và không loại trừ khả năng có những sự gián đoạn mới trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Volkswagen, trong khi đó, ước tính rằng tình trạng gián đoạn chip sẽ bắt đầu giảm bớt vào nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, nguồn cung chip cho họ hiện đã ổn định.
Harry Wolters, chủ tịch đơn vị xe tải DAF của Pacccar cũng thừa nhận nguồn cung đã tốt hơn: "Chúng tôi thấy nguồn cung cấp linh kiện tốt hơn so với dự đoán cách đây 5-6 tuần. Chúng tôi đã có thể tăng số lượng lắp ráp tại Mỹ và châu Âu".
Thời gian chờ đợi cho các đợt giao hàng chip vẫn ở mức rất cao.
Nhưng không phải tất cả công ty đều được hưởng sự thư thái này. Volkswagen cho biết họ vẫn thấy lượng chip có sẵn rất hạn chế, dự kiến tác động đến sản lượng của quý II. Theo nghiên cứu của Tập đoàn tài chính Susquehanaa, thời gian giao hàng các mẫu chip trong tháng 5 vẫn không đổi, cho thấy sự chậm trễ vẫn tồn tại.
Mercedes cho biết năm ngoái họ đã chọn mua các loại chip đắt tiền hơn để tránh tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, CEO của Ford Motor là Kim Farley cho biết hồi tháng trước rằng công ty sẽ mua chip ở bất cứ đâu trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận