Lạm phát giảm theo... quy luật, nhưng không được chủ quan
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), việc Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 tiếp tục giảm so với tháng trước đó và tăng không đáng kể (tăng 0,39%) so với cùng kỳ năm trước là không hề bất ngờ. “Nhưng tuyệt đối không được chủ quan trong kiểm soát lạm phát”, bà Oanh nhấn mạnh.
So với tháng trước, CPI đã giảm liên tục 2 tháng, bà có bất ngờ không?
Không có gì bất ngờ, bởi quan sát cho thấy, tốc độ tăng CPI trong 4 tháng đầu năm (so với cùng kỳ năm trước) có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, CPI tháng 1/2023 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, sang tháng 3 tăng 3,35% và đến tháng 4 chỉ tăng 2,81%. So với tháng trước, CPI cũng có diễn biến tương tự, từ mức tăng 0,52% trong tháng 1/2023, giảm còn tăng 0,45% trong tháng 2/2023 và 2 tháng gần đây giảm tương ứng 0,23% và 0,34%. Đó là nhân tố khiến bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% - mức tăng thấp hơn nhiều so với “giới hạn” tối đa 4,5% đã được Quốc hội “ấn định”.
Theo dõi biến động CPI trong vòng 10 năm trở lại đây, có thể thấy, bắt đầu từ năm 2014, cứ 3 năm lặp lại chu kỳ CPI tăng cao trong những tháng đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần. CPI bình quân cả năm của những năm này đều thấp hơn CPI bình quân của 3 tháng đầu năm. Diễn biến giá cả trên thị trường năm nay cũng lặp lại chu kỳ tương tự. Do đó, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, theo quy luật trước đây, thì có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.
Bà có thể nói rõ hơn việc CPI giảm 2 tháng liên tiếp?
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới; học phí tại một số địa phương được điều chỉnh theo Nghị quyết 165/NQ-CP là những nguyên nhân chính khiến CPI giảm trong 2 tháng liên tiếp. Trong đó, tháng 3/2023 có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá và tháng 4/2023 có 7/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá. Đặc biệt, nhóm giáo dục giảm rất mạnh: giảm 1,71% trong tháng 3/2023 và giảm tiếp 1,3% trong tháng vừa qua, với nguyên nhân chính là Nghị quyết 165/NQ-CP yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống... giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến CPI giảm.
Và cứ theo đà này, bà có tin rằng, lạm phát năm nay sẽ thấp hơn mức tối đa 4,5%?
Kiểm soát lạm phát không bao giờ được chủ quan, lơ là trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Năm nay đúng là có nhiều yếu tố hậu thuẫn khiến mặt bằng giá cả khó tăng cao, nhưng thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố có khả năng tác động tới lạm phát trong năm nay.
Hiện tại, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới vẫn ở mức cao; giá năng lượng, vật tư chiến lược tiếp tục diễn biến phức tạp là hệ lụy của cuộc chiến tại Ukraine. Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu đầu vào sản xuất tăng. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Giới phân tích kinh tế - tài chính thế giới bất ngờ khi lạm phát quay trở lại Hoa Kỳ và EU, buộc các nước này tăng lãi suất cơ bản, làm cho “đồng bạc xanh” và euro tăng giá so với các loại ngoại tệ khác, trong đó có VND, khiến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng, kéo chi phí sản xuất tăng.
Và cũng bất ngờ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện bình quân thêm 3% đúng thời điểm nhu cầu sử dụng điện của người dân bắt đầu tăng do bước vào hè, thưa bà?
Mấy năm qua, EVN không tăng giá điện, trong khi chi phí đầu vào ngành điện tăng mạnh, nên việc điều chỉnh tăng là điều không thể tránh khỏi và đã được dự báo, tính toán từ trước.
Trước đó, ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Ngày 4/5, EVN đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%.
Áp lực lên CPI năm nay còn phải kể đến lương cơ sở sẽ được tăng kể từ ngày 1/7/2023 và theo thông thường, sau tăng lương, mặt bằng giá cũng tăng.
Bên cạnh đó, cũng như việc tăng giá bán lẻ điện bình quân, các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã không được tăng theo đúng lộ trình, đặc biệt là học phí, nên sẽ phải tăng để bảo đảm giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát tiệm cận giá thị trường. Theo đó, kể từ tháng 9/2023, khi năm học 2023-2024 bắt đầu, nếu các địa phương thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP sẽ tác động đến CPI năm nay, vì nhóm dịch vụ giáo dục chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi tiêu của người dân.
Việc tăng lương, tăng giá điện, học phí... sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo. Nhưng với kinh nghiệm điều hành giá thành công trong những năm vừa qua của Chính phủ, tôi tin rằng, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận