Lạm phát đình đốn (Đình lạm): Nỗi lo cản đường kinh tế phát triển và túi tiền của chúng ta
Cho đến nay nỗi lo Đình lạm (Stagflation) đã chính thức đe dọa sự phục hồi của kinh tế TG ngay trong đại dịch. Đình lạm được hiểu đơn giản là kinh tế đi xuống trong bối cảnh lạm phát đi lên (kinh tế đình đốn trong khi lạm phát gia tăng).
Đây là khái niệm khá “đáng sợ” với các nhà kinh tế khi chính họ cũng tránh nhắc tới nó và lại càng xa lạ với những hiểu biết thông thường. Bởi vì hiện tượng kinh tế này cũng hiếm khi xảy ra.
Thông thường nền kinh tế có 2 chiều chính là tăng trưởng và suy thoái (hay còn gọi là đình đốn hoặc trì trệ). Và khi kinh tế tăng trưởng thì thường đi chung với lạm phát tăng và ngược lại. Tóm lại thường các NHTW đưa ra chính sách tiền tệ và Chính phủ với chính sách tài khóa theo hướng nới lỏng hoặc thắt chặt để đối phó với một là Lạm phát, hai là kinh tế đình đốn. Tuy nhiên việc đối phó với cả 2 cùng một lúc là điều đáng buồn và dù ít gặp trong quá khứ nhưng lại đang hiện hữu trong hiện tại và đe dọa cả kinh tế trong tương lai. Đặc biệt khi mà đình lạm không chỉ cần dấu hiệu kinh tế đi xuống hay suy thoái chung với lạm phát cao mà ngay cả nền kinh tế vẫn đang đi lên nhưng tốc độ tăng trưởng chậm dần, giảm xuống hoặc chững lại đã cho thấy dấu hiệu của đình lạm.
Nguyên nhân của đình lạm kinh tế
Có nhiều lý do như việc giá cả hàng hóa vì một lý do gì đó tăng bất ngờ, trong tình huống hiện nay đó là vì gián đoạn nguồn cung, chuỗi cung ứng bị ngưng trệ do Covid-19 khi giãn cách khắp nơi trên TG.
Sức mua của tiền tệ giảm đi, mọi người hạn chế mua sắm chỉ để duy trì nhu cầu thiết yếu cơ bản. Tổng cầu suy giảm cùng với hoạt động kinh doanh bị thu hẹp dẫn đến thất nghiệp gia tăng và hàng loạt DN phải đóng cửa khiến kinh tế đình trệ dẫn đến lạm phát đình đốn (đình lạm) xảy ra.
Bên cạnh đó việc nới lỏng chính sách quá mức hoặc không quá mức nhưng việc hấp thụ vào kinh tế không trọn vẹn. Điều này có thể thấy thông qua các kênh tài chính thì hút được dòng tiền và hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách nới lỏng trong khi nền kinh tế thì lại nhận được rất hạn chế. Như hiện nay việc giãn cách thì có muốn dòng tiền hướng vào kinh tế cũng rất khó.
Giá cả các tài sản tài chính, đầu cơ tăng khủng khiếp khi nhận được chính sách nới lỏng thời gian qua, Vàng, BĐS, CK, Bitcoin…đều tăng vọt trong khi kinh tế toàn cầu lại rất ảm đạm góp phần tạo nên hiện tượng đình lạm. Minh chứng rõ hơn tại 37 nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá nhà trên thực tế đã tăng gần 7% trong năm qua - mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong hai thập kỷ. Đại dịch không ngờ lại là bước ngoặt khiến giá nhà đất tăng mạnh kèm “combo” cắt giảm LS giúp các khoản vay thế chấp trở nên “dễ chịu” hơn đã thúc đẩy nhu cầu đổ tiền vào tài sản tài chính.
Dấu hiệu đình lạm hiện hữu khắp các nền kinh tế trên toàn TG
Điều đáng tiếc không chỉ những quốc gia đang phát triển mới lo ngại đình lạm mà ngay cả những nền kinh tế phát triển cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tạo nên nguy cơ toàn cầu.
Từ khủng hoảng dịch bệnh đã dẫn đến hàng loạt khủng hoảng khác và làm cho kinh tế thế giới đang đứng trước những cú sốc mới trong đó có gián đoạn chuỗi cung ứng. Cuộc khủng hoảng này tưởng chừng như chỉ là tạm thời bây giờ lại được dự báo là sẽ kéo dài sang tận năm sau khi biến chủng Delta làm đảo lộn hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở khắp châu Á và làm gián đoạn các tuyến vận tải. Nhiều Nhà sản xuất đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt linh kiện, trong khi giá nguyên vật liệu và chi phí khác tăng cao thậm chí cả chi phí “bổ sung” như phí xét nghiệm nhân viên, các loại giấy tờ mới và chi phí phát sinh mùa dịch làm áp lực lên giá cả hàng hóa, dịch vụ. Không dừng ở đó hàng loạt DN còn phải cạnh tranh khốc liệt để có được chỗ trên các con tàu vận tải biển vốn đang chật cứng và phí vận tải tăng gấp nhiều lần so với trước dịch.
Tại châu Âu, các công ty ở Anh đang đối mặt với tình trạng lượng hàng trong kho thấp kỷ lục trong khi giá bán lẻ tăng nhanh nhất kể từ 2017. Hàng tồn kho giảm thường là tin tốt nhưng trong thời điểm thiếu hụt thiết bị, nguyên liệu thì hầu hết các nhà kho bị dọn sạch để lấy nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất của mình nhưng vẫn không thể đủ cho thấy các công ty không có lựa chọn. Biến chủng Delta lây lan khắp nơi, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đang ngăn cản hoạt động của các nhà máy xí nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đến những nền kinh tế lớn khi đà hồi phục của kinh tế Mỹ cũng bị đe dọa khi tăng trưởng chậm lại, chỉ số đo lường niềm tin của các DN tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm mạnh hơn dự báo.
Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), nền kinh tế thế giới có thể mất hàng nghìn tỷ USD do lịch trình tiêm chủng bị trì hoãn mà trong đó các nền kinh tế đang phát triển sẽ chịu phần thiệt hại lớn hơn do việc triển khai tiêm chủng chậm hơn. EIU dự đoán nếu các quốc gia không thể tiêm chủng đầy đủ cho 60% dân số vào giữa năm 2022 thì nền kinh tế thế giới sẽ mất 2,3 nghìn tỷ USD. Tổ chức này cho rằng các nước nghèo hơn có khả năng phục hồi chậm hơn, gặp tổn thương hơn các nền kinh tế phát triển. Tóm lại chuỗi cung ứng bế tắc và tình hình chỉ tệ hơn chứ không khá lên: DN thì kêu trời và kinh tế thế giới thì đang gặp cú sốc lạm phát.
Tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát mới nhất của Bloomberg hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay nhưng lại nâng dự báo về mức lạm phát. Chỉ số CPI được dự báo tăng 4% trong quý III và 4.1% trong quý IV so với cùng kỳ nghĩa cao gấp đôi mức lạm phát mục tiêu 2% của FED. Cần lưu ý rằng mục tiêu lạm phát của Hoa Kỳ kể từ sau cuộc khủng hoảng đợt trước 2008 thì hơn 12 năm qua hầu như không đạt được mục tiêu (ngoại trừ một số giai đoạn rất nhỏ). Còn bây giờ mức lạm phát này lại quá dư thừa, không chỉ tăng theo phần trăm mà đã phải tính bằng lần.
Dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của Đức đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 8, nhấn mạnh áp lực giá đang gia tăng khi nền kinh tế lớn nhất Châu Âu phục hồi sau đại dịch và các công ty phải vật lộn với tình trạng thiếu cung. Tâm lý kinh tế khu vực đồng Euro đã giảm bớt nhiều hơn dự kiến trong tháng 8 từ mức cao kỷ lục vào tháng 7, do sự lạc quan ở Pháp và Hà Lan giảm mạnh, trong khi kỳ vọng giá bán vẫn đạt đỉnh, báo hiệu áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn.
Lạm phát hàng năm của Mexico tăng nhanh hơn dự kiến đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. Còn ở Canada tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng cao hơn dự báo và đạt tăng mạnh nhất trong 10 năm qua (từ 5/2011).
Dù lạm phát đã ở khắp mọi nơi nhưng các báo cáo kinh tế gần đây về GDP, PMI… ngay cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm thì đã có dấu hiệu chững lại hoặc điều chỉnh giảm qua. Còn các nền kinh tế của Châu Á và ĐNA liên tục bị các tổ chức quốc tế như WB, IMF và các định chế tài chính, NH đều hạ bớt dự báo tăng trưởng do vẫn còn nhiều nơi vẫn phải thực hiện giãn cách.
Các NHTW "mắc kẹt"
Do cả 2 vấn đề lạm phát và kinh tế giảm tốc xảy ra cùng một lúc đã khiến nhiều NHTW mắc kẹt trong việc thực thi chính sách của mình. Một số NHTW như Iceland, Mexico…đã phải nâng LS, thậm chí NHTW Nga còn tăng lãi suất tới…lần thứ 4 trong năm nay. Hàn Quốc cũng nối bước khi nước này trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của Châu Á bắt đầu thoát khỏi việc duy trì chi phí đi vay thấp kỷ lục do rủi ro tài chính đe dọa nền kinh tế và lạm phát đang ở mức cao nhất 9 năm (số liệu tháng 8/2021 và đã đánh bại mọi dự báo). Một số nền kinh tế khác dù chưa nâng LS nhưng chuyển bớt sang chính sách thắt chặt dần như Canada, Trung Quốc…hoặc có động thái cảnh báo thu hồi bớt các gói kích cầu kinh tế trước đó như Mỹ.
Tuy nhiên một số nền kinh tế khác lưỡng lự chọn lựa mục tiêu nào ưu tiên như Úc sau động thái thắt chặt đã tuyên bố sẽ nới lỏng trở lại nếu dịch bệnh bùng phát. New Zealand trước ngày NHTW tuyên bố thắt chặt chính sách đã phải tạm ngưng khi có số ca nhiễm quay lại sau 6 tháng.
NĐT nên làm gì?
Lịch sử cho thấy đình lạm rất khó để dự đoán cũng như có câu trả lời chính xác. Nhiều sai lầm trước đây trong dự báo, phòng tránh và đối phó với lạm phát đình đốn khi nó xuất hiện cũng như biến mất trong hầu hết các thành phần kinh tế toàn cầu cho thấy con người vẫn chưa thể tìm ra giải pháp tối ưu. Do đó cần phải bảo vệ tài sản của chính mình vì hiện tượng kinh tế này vốn không phổ biến trong lịch sử nên không có quá nhiều cách ứng phó hiệu quả. Vì vậy các kênh đầu tư an toàn như TPCP, TPDN, Bảo hiểm, vàng, tiền tiết kiệm…thường sẽ được ưu tiên.
Tuy vậy với một kế hoạch tài chính tổng thế dài hạn là phương thức tốt nhất để tự vệ trước những thiệt hại do lạm phát đình đốn gây nên. NĐT đừng quá hoảng sợ bán các CK để đổ xô vào các tài sản an toàn và đình lạm càng không nên là lý do chính đáng để từ bỏ một kế hoạch đầu tư. Ngược lại “trong nguy có cơ” nên nếu NĐT tận dụng được thì đây sẽ là “thời tới cản không kịp”. VD với DMĐT thiên về hướng đầu tư chủ động hoặc thiếu sự đa dạng, linh hoạt thì NĐT nên thêm vào những công cụ có độ an toàn cao.
Cuối cùng nếu bạn sống trong giới hạn những gì mình kiếm được, đình lạm sẽ không có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và chúng ta không cần thay đổi quá lớn trong cách sống của mình. Tuy nhiên chúng ta có thể sẽ phải tạm ngừng những khoản mua sắm lớn đặc biệt với những tài sản tài chính bị đầu cơ và đang có hiện tượng FOMO quá mức. Do đó hãy thực hiện tiết kiệm và đầu tư một cách khôn ngoan. Điều này sẽ giúp chúng ta tồn tại và vượt qua mọi thử thách.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận