menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Mai

Lạm phát chưa vơi áp lực

Lạm phát vẫn đang tăng tốc cho dù mức độ là không lớn, trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Lạm phát tiếp tục tăng tốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng tới 0,49% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,31% của tháng 4 và là mức tăng hàng tháng cao thứ hai kể từ tháng 10/2018 đến nay, chỉ thua mức tăng 0,8% của tháng 2/2019 là tháng Tết Nguyên đán. Đáng chú ý CPI bình quân tăng liên tục, 5 tháng đầu năm tăng lên mức 2,74% từ mức 2,71% của 4 tháng đầu năm.

Đi sâu phân tích các yếu tố tác động có thể thấy, áp lực lạm phát những tháng đầu năm chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy, trong đó nổi lên là giá điện và xăng dầu. Theo đó, trong tháng 5 nhóm giao thông tiếp tục dẫn đầu về mức tăng giá khi tăng tới 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019 và thời điểm 17/5/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,25%). Xếp ngay sau đó cũng vẫn là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 1,28%, mà nguyên nhân chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 6,86%.

Quả vậy việc giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng tới 8,36% kể từ ngày 20/3/2019, cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao càng đẩy giá điện tăng mạnh hơn. Còn với giá xăng dầu, tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 đã tăng 3.450 đồng/lít (tăng 19,02%), còn xăng sinh học E5 tăng 3.700 đồng/lít (tăng 22,05%); dầu diesel tăng 1.610 đồng/lít (tăng 10%)… Mức tăng này đã góp phần đẩy chỉ số giá của nhóm giao thông tăng tới 6,27% so với cuối năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ của giỏ CPI.

Tuy nhiên nhờ “việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiểm soát lạm phát”, Tổng cục Thống kê đánh giá. Số liệu thống kê cũng cho thấy trong tháng 5, lạm phát cơ bản chỉ tăng nhẹ 0,13% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2018. Bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2018, lạm phát cơ bản tăng 1,85%.

Trên thực tế nhiều chuyên gia đã cảnh báo áp lực lạm phát năm nay là rất lớn, đặc biệt giá dầu thế giới có thể biến động rất khó lường. Vì thế ngay khi bước vào năm 2019, NHNN đã xác định sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối…

Chính sự thận trọng này của NHNN đã giúp kiểm soát lạm phát những tháng đầu năm ở mức tương đối thấp cho dù giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, giá điện cũng tăng ở mức khá cao. TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền tệ cũng đang góp phần vào tái cơ cấu nền kinh tế, định hướng thị trường phát triển ở các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân. Theo đó, việc tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như mấy năm trở lại đây cũng đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả ở nhiều nhóm hàng, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang tăng tốc cho dù mức độ là không lớn, trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Bên ngoài, giá xăng dầu thế giới vẫn biến động rất khó lường và sẽ tiếp tục là một ẩn số lớn đối với lạm phát. Trong khi việc đồng USD tăng giá mạnh còn nhân dân tệ lại rớt thảm cũng đang tạo nhiều áp lực đến tỷ giá và lạm phát trong nước.

Trong nước, tác động của việc tăng giá điện có thể sẽ còn kéo dài một vài tháng tới. Rồi còn lộ trình điều chỉnh giá các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục… Hay như thâm hụt thương mại quay lại cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Chưa kể, việc tổng cầu của nền kinh tế đang phục hồi tích cực cũng kéo lạm phát đi lên.

Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ cần phải được điều hành linh hoạt, thận trọng, theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước. Song để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội và Chính phủ đề ra, các chính sách vĩ mô khác cần phải phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ; đặc biệt công tác điều hành giá cả phải hết sức thận trọng, tránh tăng giá dồn dập các mặt hàng để không tăng lạm phát kỳ vọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả