24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạm phát cao thách thức hai ứng viên tổng thống Mỹ

Bà Kamala Harris kế thừa "di sản" lạm phát cao trong nhiệm kỳTổng thống Joe Biden, còn chính sách của Donald Trump gây có thể khiến vật giá leo thang.

Trong cuộc đua với tỷ phú Donald Trump, thoạt nhìn việc thừa kế thành quả kinh tế của Tổng thống Joe Biden khiến bà Kamala Harris thuận lợi. Đầu 2023, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4%, so với mức 6,4% khi ông Biden nhậm chức vào 2021. Tỷ lệ này duy trì dưới 4% trong hơn hai năm, dài nhất kể từ những năm 1960.

Lạm phát tăng cùng GDP

Nhờ gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã khiến nhu cầu về người lao động tăng vọt, buộc các chủ lao động phải tăng lương. Tiền lương tăng đặc biệt nhanh đối với các ngành thu nhập thấp, giúp thu hẹp bất bình đẳng. Gần nhất, Bộ Thương mại Mỹ xác nhận GDP nước này tăng 2,8% trong quý 2. Tốc độ này cao hơn quý đầu năm (1,4%) và nhỉnh hơn dự báo của các nhà kinh tế trong khảo sát của Dow Jones (2,1%).

Song "di sản" kinh tế mà ông Joe Biden để lại cho bà Harris còn bài toán về lạm phát. Trong các cuộc thăm dò trước đây, cử tri không đánh giá cao ông Biden về năng lực điều hành kinh tế do lạm phát tăng mạnh trong nhiệm kỳ của ông.

Khởi đầu với chuỗi cung ứng tắc nghẽn vì đại dịch và sau đó là xung đột Ukraine, lạm phát Mỹ tăng lên mức kỷ lục 40 năm vào tháng 6/2022. Giá cả tăng khiến người Mỹ không hài lòng với nền kinh tế. Tâm lý tiêu dùng lao dốc vào cuối 2021 và hầu như không phục hồi ngay cả khi lạm phát xuống còn 3%.

Các hộ gia đình ở Mỹ đã quen với việc giá cả hầu như không tăng. Ví dụ, từ năm 2015 cho đến khi đại dịch bùng phát, giá thực phẩm ở Mỹ về cơ bản ổn định. Khi lạm phát ập đến, nó làm tổn hại đến tài chính lẫn tâm lý của họ.

Vì vậy, dù nền kinh tế liên tục tạo ra nhiều dữ liệu tích cực về tăng trưởng, việc làm trong vài tháng gần đây, tâm lý công chúng vẫn ảm đạm. Theo Chris Jackson, Trưởng bộ phận thăm dò ý kiến tại Ipsos Public Affairs cho rằng đó là do mức tăng giá trung bình được tích lũy đến 20% trong 3 năm qua.

Ví dụ, giá thực phẩm tăng 21% kể từ khi Biden và Harris nhậm chức. Giá thuê căn hộ trung bình đã tăng khoảng 23%, lên 1.411 USD mỗi tháng, theo Apartment List. Giá ôtô mới cũng đã tăng 24% trong ba năm sau đại dịch, lên mức trung bình là 48.000 USD mỗi chiếc.

"Nhìn chung, mọi người đang ổn. Họ có việc làm, được trả lương và tăng lương. Nhưng họ cảm thấy tiền của họ không còn giá trị như trước. Họ cảm giác chung rằng đất nước đang không đi đúng hướng", ông nói.

Người dân không đồng cảm với niềm vui của Fed

Để chống lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất bốn thập kỷ. Nhờ vậy, lạm phát giảm mà thất nghiệp vẫn ổn định ở 4,1%. Thống đốc Fed Christopher Waller ca ngợi tiến triển đó tuần trước. "Nền kinh tế chỉ giữ nguyên vị thế và lạm phát đã giảm đáng kể. Đây là sự phục hồi đáng kinh ngạc so với những gì đã xảy ra vào năm 2021 và 2022", ông nói.

Nhưng nhiều người Mỹ bình thường không đồng cảm với niềm vui này vì vẫn vật lộn với chi phí cao. Lãi suất tăng khiến lãi vay mua nhà kỳ hạn cố định 30 năm tăng gấp đôi, từ trung bình khoảng 2,7% hồi đại dịch lên 6,8% vào tuần trước.

Theo Đại học Harvard, khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho một ngôi nhà mới điển hình đã tăng gần một phần ba, lên hơn 3.000 USD. Những người muốn mua nhà ở đô thị cần kiếm ít nhất 100.000 USD để đủ khả năng chi trả.

Tiếp đến là hàng tạp hóa. Một pound thịt bò xay đã tăng 1,05 USD kể từ khi Biden nhậm chức, lên mức trung bình toàn quốc là 5,36 USD. Dù giá trứng thấp hơn nhiều so với đỉnh vào cuối năm 2022 nhưng vẫn đắt hơn 85% so với ba năm trước. Một pound thịt gà đã tăng 25% lên 2,01 USD kể từ tháng 1/2021.

Các nhà kinh tế tại Motio Research tính toán rằng kể từ khi Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, thu nhập hộ gia đình trung bình đã điều chỉnh theo lạm phát chỉ tăng 1,6% lên 79.000 USD. "Vì vậy, nếu ít nhất một nửa dân số thấy thu nhập của họ trì trệ trong bốn năm qua, bạn có thể hiểu tại sao lạm phát là một vấn đề lớn với tâm lý cử tri, Matias Scaglione, Đồng sáng lập Motio lý giải.

Tận dụng điểm yếu lạm phát của Bidenomics, cựu tổng thống Donald Trump tranh thủ nhấn mạnh về chi phí sinh hoạt cao trong các buổi diễn thuyết của ông.

Phát biểu tuần trước tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, ông đề cập đến lạm phát 14 lần. Đồng hành của ông, thượng nghị sĩ JD Vance chỉ trích ông Biden về chi phí nhà ở tăng vọt, làm giảm hy vọng của nhiều người muốn mua nhà. Trump và đảng Cộng hòa hứa sẽ "đánh bại" lạm phát và "nhanh chóng hạ mọi loại giá", cùng với việc bơm thêm xăng dầu và than.

Đáp lại, phát biểu tại Indianapolis tuần này, bà Harris nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em "giá cả phải chăng". Bà cáo buộc Trump sẽ xóa bỏ mức giá trần của chính quyền Biden đối với insulin, điều mà Nhà Trắng thường trích dẫn như một ví dụ về nỗ lực giảm chi phí thuốc.

Các nhà kinh tế tại chính quyền Biden lập luận rằng mức tăng lương trung bình đủ để bù đắp cho chi phí cao hơn. Theo tính toán của họ, tính đến tháng 6, mức lương trung bình theo giờ cao hơn 23% so với bốn năm trước - cao hơn mức tăng giá trung bình 21%.

Do đó, một nhân viên bình thường hiện mất khoảng 3,6 giờ làm việc để mua đủ nhu yếu phẩm cho một tuần, tương đương với mức trước dịch. Trong khi, đảng Dân chủ và một số nhà kinh tế cáo buộc các ý tưởng của Trump sẽ gây ra một đợt bùng nổ lạm phát và khiến nợ quốc gia tăng thêm 5.000 tỷ USD.

Mark Sobel, Chủ tịch Mỹ tại Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ, chính thức cho rằng chương trình kinh tế của Trump "vốn mang tính lạm phát". "Thuế quan cao hơn nhiều, chính sách tài khóa mở rộng và trục xuất hàng loạt người nhập cư kết hợp với nhau làm tăng lạm phát và lãi suất cao hơn mức bình thường", ông nói.

Diane Swonk, Kinh tế trưởng KPMG Mỹ lưu ý rằng việc Trump tăng thuế nhập khẩu cùng với lệnh hạn chế "mạnh" lao động nước ngoài dẫn đến lạm phát "hồi sinh" và có khả năng buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.

Mô hình tính toán của Oxford Economics dựa trên các quan điểm chính sách của các ứng viên dự đoán lạm phát cốt lõi (trừ giá thực phẩm và năng lượng) dưới nhiệm kỳ Trump thứ hai sẽ cao hơn từ 0,3 đến 0,6 điểm phần trăm so với môi trường chính sách hiện hành. Trong kịch bản bà Harris trở thành tổng thống và mở rộng Bidenomics, lạm phát cốt lõi tăng từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.

Khi được hỏi chương trình nghị sự của Trump sẽ chống lại rủi ro tăng lạm phát như thế nào, Thư ký báo chí quốc gia của chiến dịch Trump Karoline Leavitt nói người Mỹ không cần các nhà kinh tế chỉ ra ai làm tổng thống sẽ giúp họ giàu hơn.

"Khi tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ thực hiện lại chương trình nghị sự ủng hộ tăng trưởng, ủng hộ năng lượng, ủng hộ việc làm để giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao vị thế của tất cả người Mỹ", bà tuyên bố.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả