Làm nông nghiệp và sự lương thiện
Công nghiệp không phải là thế mạnh của VN, thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và phần nào đó là công nghệ. Đặc biệt với khu vực miền Tây và Tây Nguyên nếu chúng ta cứ theo đuổi phát triển công nghiệp rồi sẽ phải trả giá rất đắt.
Nông nghiệp đang là nơi nuôi sống, bao bọc, che chở cho 70% dân số VN. Phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán. Theo cá nhân tôi, để cải tổ nền nông nghiệp chúng ta cần thực hiện vài giải pháp dưới đây.
Thứ nhất, đầu tư hạ tầng
Hệ thống giao thông quá tải, kết nối liên vùng kém không những làm cho nông sản mất lợi thế cạnh tranh mà còn kéo cả nền kinh tế tăng trưởng chậm lại so với các năm trước và tụt lùi lại phía sau so với các nước trong khu vực. Chi phí chúng tôi nhập khẩu một cont hàng từ Indonesia về Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với một cont hàng từ TPHCM đi Hà Nội. Bạn tôi kinh doanh tôm đông lạnh. Chi phí chuyển một cont hàng từ Cà Mau ra Hà Nội cao hơn đi Mỹ. Trong khi nông sản yêu cầu phải vận chuyển nhanh hơn để đảm bảo tươi ngon thì còn yêu cầu cao hơn nữa. Đó là nghịch lý khiến nông sản của chúng ta mất đi lợi thế cạnh tranh ngay chính thị trường nội địa. Vựa nông sản, trái cây của Việt Nam nằm ở miền Tây và Tây Nguyên nhưng giao thông ở hai khu vực này thì vừa thiếu vừa yếu. Nếu không ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông hai khu vực này thì nông sản còn ùn ứ dài dài, người dân nơi đây còn nghèo bền lâu. Đầu tư hạ tầng không chỉ cứu giúp nền nông nghiệp mà còn kéo tất cả mọi thứ đi lên.
Thứ 2, Chuyển trạng thái từ xuất khẩu sang nhập khẩu nông sản.
Khi ra đường, nếu đế ý bạn sẽ thấy trên các xe taxi có quảng cáo Lê Hàn Quốc, Kiwi Newzaeland, Táo Mỹ… Ai là người đã bỏ tiền cho các hoạt động quảng cáo này? Đó chính là chính phủ các nước đó hoặc các doanh nghiệp của nước bạn đang nhập khẩu trái cây từ nước của họ qua phân phối tại thị trường VN. Cách làm này vừa giúp họ thâm nhập sâu vào thị trường nội địa vừa “né” được các rào cản bảo hộ của chúng ta. VN hoàn toàn có thể làm theo cách này. Đại diện của chính phủ ở nước ngoài hoặc chính phủ có thể “cậy nhờ” các doanh nghiệp lớn trong nước thâm nhập sâu vào các thị trường TQ, Nhật, Hàn, Châu Âu, Mỹ… và mở/ mua lại các doanh nghiệp ở nước bạn với danh nghĩa là một doanh nghiệp 100% vốn của bản địa.
Từ đó doanh nghiệp này mở chi nhánh/ cty con ở Việt Nam và thu mua nông sản của Việt Nam để nhập khẩu vào nước bạn để dán nhãn và phân phối ở thị trường nước bạn. Như vừa nói ở trên, cách làm này giúp chúng ta chuyển từ trạng thái xuất khẩu nông sản, phó mặc cho đối tác nước bạn, bị nước bạn áp các hàng rào bảo hộ thì giờ đây chúng ta nhập khẩu nông sản từ VN vào thị trường nội địa của nước bạn để tiêu thụ đường đường chính chính với ít rào cản hơn. Cách làm này nó hơi phức tạp, rối rắm nên viết ra nó hơi lùng nhùng. Cái này có thời gian tôi sẽ live chia sẻ dễ hiểu hơn.
Thứ 3, trở lại với chế độ “địa chủ”.
Với một nền nông nghiệp manh múm, chắp vá như hiện nay chúng ta không thể sản xuất ở quy mô hàng hóa sản lượng lớn và chất lượng cao được. Mỗi nhà vài sào, vài héc ta thì chúng ta không thể cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất được. Cứ nhìn sang Thái Lan, TQ, Mỹ, Úc sẽ thấy họ đi làm nông bằng xe địa hình, phun tưới bằng máy bay trực thăng mới thấy chúng ta lạc hậu cỡ nào. Chế độ địa chủ thời phong kiến là mô hình hay, chỉ có điều nó chưa phù hợp với bối cảnh lịch sử. Nhưng thời nay chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này. Phải cho những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh tích lũy ruộng đất để đầu tư bài bản.
Người nông dân sau khi bán đất có thể đi làm cho các nhà máy trong các KCN hoặc các nông trại được đầu tư bài bản. Chúng ta không thể vin vào câu nói mụ mị kiểu “Đau xót khi nhìn người nông dân phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình” để duy trì nền nông nghiệp manh múm, tủn mủn được. Làm chủ hay làm thuê thì đã sao? Chính những người như chúng tôi cũng đang phải đi làm thuê cho doanh nghiệp của chính mình đây thôi. Những người nông dân đã làm chủ trên mảnh đất của mình hàng chục năm, trải qua vài thế hệ nhưng họ có khá hơn đâu? Vậy thì, làm chủ không hiệu quả thà đi làm thuê còn sướng hơn.
Người nông dân sau khi bán đất có một vài chục tỷ đồng trong tay có thể xây cái nhà đẹp, gửi tiết kiệm lấy lãi suất… rồi đi làm thuê cho nông trại, KCN kiếm thu nhập dăm bảy triệu mỗi tháng mà không lo thiên tai, bão lũ, mất mùa, rớt giá… Trong bối cảnh này thử hỏi người nông dân làm chủ hay làm thuê sướng hơn? Hãy xem Thái Lan bên cạnh họ làm nông nghiệp hiệu quả thế nào khi mà mọi thứ thua thiệt chúng ta? Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch, trải nghiệm, dịch vụ, dược phẩm, mỹ phẩm… tất cả trong một.
Nếu sợ đầu cơ đất thì hãy áp dụng cách làm của nước Mỹ. Có rất nhiều cách để bạn có được thẻ xanh/ thường trú dân của nước Mỹ. Một trong những cách phổ biến là bạn mở một doanh nghiệp ở Mỹ theo dạng nhà đầu tư. Cách này quy định mỗi tháng doanh nghiệp của bạn phải thuê ít nhất 02 lao động Mỹ với mức lương tối thiểu 1,000$/ tháng. Vậy thì chúng ta có thể quy định, những cá nhân, tổ chức khi mua đất nông nghiệp phải đưa vào canh tác, không canh tác sẽ đánh thuế.
Cứ mỗi block 5ha đất phải thuê 01 lao động địa phương (Khi sử dụng từ trên 10 lao động có thể nới hoặc bỏ hạn mức) với mức lương tối thiểu 6 triệu/ tháng (hoặc một con số nào đó). Lúc này những cá nhân, tổ chức sở hữu đất sẽ phải đầu tư canh tác vì đằng nào cũng phải trả tiền lương hàng tháng cho người lao động. Đã mất công trả lương thì phải đầu tư làm cho nghiêm túc thôi.
Thứ 4, Định vị lại trái cây Việt Nam
Nói đến Maylaysia nhắc đến sầu riêng Musa king, nói đến Nhật Bản nhắc đến nho mẫu đơn, xoài ruby; Nói đến Đài Loan nhắc đến xoài Đài Loan; Nói đến Newzealand nhắc đến Kiwi; Nói đến Ausatrlia nhắc đến cherry; Nói đến Mỹ nhắc đến nho, táo; Nói đến Nam Phi nhắc Lê Nam Phi, Nói đến Hàn Quốc nhắc Lê Hàn Quốc… Nhưng nói đến VN chúng ta sẽ nói đến trái cây gì? Mơ mơ màng màng, sẽ có rất nhiều loại trái cây chúng ta nhắc đến nhưng đa số chúng ta cũng không biết đó có phải là trái cây chủ lực, là thế mạnh của VN hay không nữa. Vậy thì, điều cấp thiết là chúng ta phải chọn ra một vài loại trái cây chủ lực để làm “điểm nhấn” đại diện cho trái cây VN khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tôi nghiên cứu về các loại trái cây, thị trường trái cây từ 2008 đến nay, tôi may mắn được thưởng thức nhiều loại trái cây của rất nhiều nước. Chung quy lại tôi thấy trái cây của các nước không ngon bằng trái cây VN nhưng giá thì luôn cao hơn nhiều lần. Cái được nhất của họ là “đẹp mã”. Việc này chỉ làm được khi vấn đề thứ 2 và 3 ở trên đây được thực thi.
Đó là 4 vấn đề tôi tạm liệt kê ra, nhớ thêm được mục nào sẽ bổ sung sau. Thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, con người của VN chúng ta hơn hẳn hầu hết các nước nông nghiệp hàng đầu như Thái Lan, Nam Phi, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ… Nhưng sản lượng, chất lượng và quy mô nền nông nghiệp của VN lại quá nhỏ bé.
Mười mấy năm lăn lộn với nông nghiệp tôi luôn nói làm nông nghiệp không khác gì Chí Phèo – Ai cho tôi lương thiện? Tiếc, sầu, bi là những gì tôi dùng để mô tả về nông nghiệp VN.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận