Làm gì trên một TTCK đang bị dòng tiền tinh quái chi phối?
Tâm lý đánh nhanh rút gọn đang trở thành một thói quen giao dịch diễn ra trong 3 tháng đầu năm nay. Dòng tiền càng trở nên khó dự đoán hơn nữa trong bối cảnh chiến tranh Ukraine khiến hàng hóa cơ bản trên thế giới biến động mạnh.
Dòng tiền tinh quái đến từ nhà đầu tư cá nhân
Không khó để nhận thấy thị trường từ đầu năm cho đến nay, tại các room tư vấn hay bản tin khuyến nghị đầu tư của các CTCK hay môi giới, quan điểm mua khi điều chỉnh và chốt lời nhanh khi thị trường hồi phục trở nên khá phổ biến.
Nhà đầu tư cũng nhanh chóng hiện thực hóa các khuyến nghị này thành hành động giải ngân khi xuất hiện các phiên điều chỉnh. Điển hình như các phiên ngày 8/3, 24/2, 14/2, thanh khoản thị trường đều dội mạnh lên khi VN-Index ghi nhận mức giảm trên 1%.
Tuy nhiên, vế còn lại của các khuyến nghị trên cũng ứng vào các chuyển động của chỉ số. Đó là việc VN-Index không thể bứt phá khỏi mốc 1.500 điểm kể từ đầu năm cho đến nay. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, thị trường còn có chút thụt lùi với mức giảm hơn 2%.
Nhà đầu tư vẫn có thể có lợi nhuận nếu giao dịch với tâm lý lướt sóng ở các nhóm ngành Bất động sản, Cảng biển, Phân bón hay Dầu khí từ đầu năm. Tuy nhiên, nếu vào sai nhóm ngành hoặc nắm giữ quá lâu, các vị thế có thể còn lỗ hơn 2% so với điểm số của VN-Index.
Đây là diễn biến xảy ra khi tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng lên, tâm lý đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn có xu hướng tăng cao.
Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường giúp thanh khoản thị trường dồi dào hơn nhưng cũng khiến thị trường biến động hơn.
Trong toàn bộ 12 tháng của năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đều tham gia giải ngân vào thị trường, bù lại hết các áp lực bán ra của nhà đầu tư ngoại, góp phần quan trọng để giúp VN-Index tăng hơn 35% trong cả năm.
Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn dựa nhiều vào lực mua của nhà đầu tư cá nhân khi khối ngoại vẫn chưa trở lại mua ròng. Tính trong 3 tháng đầu năm, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng.
Chủ đề Ukraine là ẩn số khó đoán
Theo chuyên gia chứng khoán Bùi Văn Huy tần suất các phiên tăng/giảm với biên độ mạnh diễn ra thường xuyên hơn. Việc nhiều cổ phiếu Bất động sản điều chỉnh đến 40-50% từ đỉnh hồi đầu năm cho thấy rõ điều đó. Trong bối cảnh thị trường dắt ngang hiện tại, việc mua - bán nhanh, quyết liệt và chốt lãi mỏng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn vì trong 1 tháng qua, thị trường chung và chỉ số VN-Index gần như không thay đổi nhiều.
Hiện xung đột ở Ukraine là tâm điểm ảnh hưởng với thị trường nhưng là vấn đề quá khó đoán. Tất nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá cả hàng hóa tiếp tục tăng mạnh và neo cao trong một thời gian dài hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó đã có một lượng tiền không nhỏ đổ vào các cổ phiếu hàng hóa như Dầu khí, Thép, Phân bón, Than, Nông sản… Đây là cuộc chơi có cơ sở (xung đột chính trị), khó dự báo, rủi ro cao và đi kèm với lợi nhuận cao. Nhà đầu chấp nhận rủi ro cao có thể tham gia vào các nhóm cổ phiếu này.
Theo chiều ngược lại là nhóm các cổ phiếu cơ bản không được hưởng lợi, chịu tác động ít nhiều từ bối cảnh thế giới có xu hướng bị "ghẻ lạnh". Khi tình hình Ukraine có xu hướng dịu đi, nhóm cổ phiếu hàng hóa khả năng sẽ điều chỉnh và nhóm các cổ phiếu đang ít được quan tâm có thể trở lại dẫn dắt.
Chủ đề Ukraine là chủ đề khó đoán và là ẩn số lớn, tùy theo hướng “đặt cược” khác nhau, nhà đầu tư có thể lựa chọn “đu theo” nhóm cổ phiếu Thép, Phân bón, Dầu khí hoặc “bắt đáy” Ngân hàng, Bất động sản, Hàng tiêu dùng… Đặt cược theo hướng nào cũng cần khẳng định nhà đầu tư thông thường, không ai có thể tự tin dự báo chính xác diễn biến chính trị hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận