Làm gì để đẩy tín dụng xanh vào ngành dệt may?
Nhiều năm qua, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên dư nợ tín dụng tại đây chỉ chiếm khoáng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay toán nền kinh tế....
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo trực tuyến: “Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với ngành dệt may”.
NẰM TRONG DIỆN CẦN ĐÁNH GIÁ KHI CẤP TÍN DỤNG
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, ngành dệt may trong nhiều năm qua là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, đội ngũ lao động ngày càng có tay nghề cao; cùng với sự ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước, ngành dệt may đã thu được những kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, dệt may cũng là một trong các ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Do quá trình sản xuất cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước dẫn đến tác động đến nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.
“Chính vì vậy, ngành dệt may là một trong 20 ngành kinh tế được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 11/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai “tín dụng xanh”, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm khoảng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020.
Riêng dư nợ đối với ngành dệt may khoảng 145.000 tỷ đồng (tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020), chỉ chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
DỆT MAY PHẢI "XANH HOÁ" SẢN XUẤT
Hiện tại, rủi ro cấp tín dụng dệt may có thể kể đến như công nghệ đặc thù, môi trường, hóa chất và ô nhiễm; yếu tố thâm dụng lao động, xu hướng gia tăng lương tối thiểu và sự biến động nhân sự; lợi nhuận và giá trị tích lũy thấp, khả năng trả nợ khi các yếu tố tác động thay đổi; sự phụ thuộc vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu, xu hướng thời trang và các rủi ro không thể dự đoán trước.
Để có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, mục tiêu xanh hóa sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút được dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Chung quan điểm, đại diện các tổ chức tín dụng đều đồng tình rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở các doanh nghiệp dệt may. Về nguyên tắc, các ngân hàng khi cấp vốn phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về cho vay mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Trong số các dự án có hiệu quả thì các ngân hàng sẽ ưu tiên tài trợ các dự án xanh.
Lẽ đó, vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp cần phải có các dự án có hiệu quả. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây chuyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.
Còn bà Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng nhóm ngành dệt may của WWF cho rằng, bản thân ngành dệt may cũng đang gắng hết sức để phát triển xanh và nhìn nhận chương trình “xanh hóa dệt may” đối với Việt Nam là rất cần thiết. Nhận định này được bà Nga đưa ra dựa trên 4 lý do.
Bên cạnh việc doanh nghiệp dệt may phải tự xanh hoá sản xuất, các diễn giả tại hội thảo cũng đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng cho dệt may bao gồm: bảo lãnh hay bảo đảm của bên thứ ba; cho vay hoặc kết hợp nhiều sản phẩm tín dụng; dịch vụ hỗ trợ kết nối đến các nguồn tài chính, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển và tìm kiếm các nguồn trả nợ phụ trội từ dự án, đơn vị đi vay…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận