Lâm Đồng: Không bố trí vốn năm sau cho dự án chậm giải ngân
Dự kiến, đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 49%, tương đương trên 2.500 tỷ đồng.
Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lâm Đồng đạt 49,4% kế hoạch vốn. Đây là tỷ lệ cao nhất cả nước cho đến thời điểm này. Phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn được giao, tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh, trong đó có việc không bố trí vốn năm sau cho dự án chậm giải ngân.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án
Tổng số vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2022 tỉnh Lâm Đồng được giao là trên 5.061,9 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn địa phương triển khai thêm ngoài kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao). Dự kiến đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh giải ngân được trên 2.500,4 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch vốn được giao.
Kết quả này cho thấy, tỉnh Lâm Đồng đã rất quyết tâm thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
Trường hợp chủ đầu tư, ban quản lý dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, các sở, ban, ngành, địa phương phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật hoặc cố tình gây cản trở, khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư đốc thúc các nhà thầu tập trung nhân công, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình để nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đối với các dự án chuyển tiếp từ 2021 sang, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho các nhà thầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thi công tại hiện trường nhằm quản lý chặt chẽ việc thi công theo quy trình, đảm bảo chất lượng công trình; đồng thời, yêu cầu nhà thầu cam kết thực hiện tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch.
Trường hợp nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ theo như hợp đồng ký kết, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án, các sở, ban, ngành, địa phương phải chỉ đạo chủ đầu tư cương quyết xử phạt vi phạm hợp đồng theo quy định…
Các dự án chậm giải ngân sẽ không được bố trí vốn
Mặc dù gần một nửa kế hoạch vốn được giao đã được giải ngân, nhưng từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với công tác giải ngân khi giá cả nguyên vật liệu xây dựng vẫn tăng cao.
Để giải ngân hết nguồn vốn được giao khi hết năm ngân sách, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt trong công tác giải ngân.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư công kế hoạch năm 2022 đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được bố trí.
Đặc biệt, trong quý II/2022 phải giải ngân hết số vốn kéo dài của năm 2021 sang năm 2022 và hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 6/2022.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đề xuất điều chuyển vốn đầu tư của các công trình, dự án chậm tiến độ thực hiện, giải ngân để bố trí cho các công trình, dự án khác, địa bàn khác, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
Cụ thể, trước ngày 30/6, cơ quan chức năng rà soát, lập danh mục các dự án chưa khởi công, chưa lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước các cấp, tiến độ thi công chậm (khối lượng thực hiện không đạt trên 50% so với số vốn bố trí cho dự án chuyển tiếp hoặc không đạt trên 30% so với số vốn được bố trí cho dự án khởi công mới); tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn cho những dự án khác, địa bàn khác có tỷ lệ giải ngân cao, thiếu vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành.
Trước ngày 30/9 tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lập danh mục các dự án chưa khởi công, chưa lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước các cấp, tiến độ thi công chậm (khối lượng thực hiện không đạt trên 50% so với số vốn đã bố trí cho dự án), báo cáo UBND tỉnh không bố trí kế hoạch vốn năm sau cho dự án; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận