menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đức Thịnh

Lãi tiết kiệm điều chỉnh mạnh, người dân đang mang tiền đầu tư vào đâu?

Trước việc lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh mạnh thời gian gần đây, một lượng lớn tiền nhàn rỗi đang chảy mạnh vào những kênh đầu tư khác.

Sau 4 lần ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đã liên tục điều chỉnh giảm mạnh lãi tiết kiệm. Chỉ tính riêng trong tháng 7 có gần 20 ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm. Trong đó, có gần 10 đơn vị giảm mạnh lãi suất lên tới 0,5-0,8% gồm TPBank, SHB, SeABank, SCB, BacABank, OCB, PVComBank, GPBank, NamABank.

Tính tới 25/7, lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống chỉ còn 7,8% một năm, tại VietBank, SaigonBank và chỉ áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. 20 ngân hàng tư nhân khác niêm yết lãi suất cao nhất từ 7% đến 7,7% một năm, thường rơi vào kỳ hạn 12 tháng.

10 nhà băng còn lại chỉ trả lãi suất cao nhất từ 6% đến dưới 7% một năm. Nhóm trả lãi thấp nhất thị trường này gồm 4 nhà băng có vốn nhà nước và một số ngân hàng tư nhân như TPBank, VPBank, LPBank, Techcombank, DongABank, ACB, SeABank, Sacombank, VIB, MB. Tương đương lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng đã giảm từ 3 đến 4%/năm so với đỉnh lãi tiết kiệm thiết lập cuối năm 2022.

Trước việc lãi tiết kiệm liên tục được điều chỉnh giảm thời gian qua, lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi ngân hàng cũng đã có dấu hiệu tăng chậm lại. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính chung 5 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng chỉ khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.

Lãi tiết kiệm điều chỉnh mạnh, người dân đang mang tiền đầu tư vào đâu?
Một phần tiền nhàn rỗi đã được nhà đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán

Cùng với đó, các tổ chức kinh tế cũng đã liên tục rút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 5, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm 3,45% so với hồi đầu năm.

Khi các kênh đầu tư khác như vàng, BĐS cũng đang đối mặt nhiều thách thức khó khăn về thanh khoản và biến động giá, thị trường chứng khoán nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn trong sự dịch chuyển của dòng tiền nhàn rỗi.

Theo đó, cùng với thời điểm lượng tiền người dân mang gửi tiết kiệm có dấu hiệu chậm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn giao dịch sôi động, bùng nổ.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), tháng 6/2023, thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 877,51 triệu cổ phiếu và 16.899 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 23,39% và 38,37% so với tháng 5/2023. Đây cũng là tháng mà HoSE có khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên cao nhất trong 6 tháng đầu năm với những phiên giao dịch lên tới cả tỷ USD.

Cùng với đó, khối lượng giao dịch bình quân trên HNX đạt hơn 119 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.919 tỷ đồng/phiên, tăng 9,88% về khối lượng giao dịch và tăng 21,01% về giá trị giao dịch so với tháng trước.

Diễn biến thanh khoản cũng ghi nhận tích cực trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch bình quân tháng 6 đạt xấp xỉ 78,93 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 910 tỷ đồng/phiên, tăng 34,82% về khối lượng và 37,62% về giá trị so với tháng 5/2023.

Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn liên tục cải thiện khi đạt 19,8 nghìn tỉ đồng/phiên vào tháng 6.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục mạnh, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 145.864 tài khoản, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng 5. Qua đó, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau khi chạm đáy vào tháng 4, đồng thời cũng là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 9 năm ngoái.

Luỹ kế đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,26 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.

Theo Pyn Elite Fund, một phần tiền gửi ngân hàng chuyển sang cổ phiếu đã đẩy giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng lên. Ngoài ra, margin cũng được kích hoạt sau khi lãi suất có xu hướng quay đầu giảm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại