Lãi suất về mức thấp hơn cả giai đoạn Covid-19, tiền sẽ chảy vào chứng khoán?
Lãi suất tiền gửi đã thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (2021-6T2022). VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5,0-5,1% vào cuối năm 2023 và duy trì ở vùng thấp trong năm 2024.
Ảnh minh họa.
Tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng đã tăng 7,39% so với đầu năm, thấp hơn so mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 11,62%. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi M2 vẫn tiếp tục cải thiện dù cho lãi suất huy động giảm.
Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng yếu hơn so với cùng kỳ là khả năng trả nợ của khách hàng suy yếu do lãi suất của các khoản vay trong giai đoạn cuối năm 2022 cao trong khi thu nhập giảm và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.
Với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, VnDirect cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt 10% so với đầu năm nhờ vào các ngành sản xuất phục hồi với việc đơn hàng sản xuất tăng trở lại, ngành xây dựng phục hồi nhờ thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại trong dịp lễ tết cuối năm
Tính đến ngày 24/11/2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức bình quân 5,13%/năm, giảm 0,1 điểm % so với cuối tháng 10. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các Ngân hàng tư nhân dao động từ 4,6% đến 5,7%/năm với mức bình quân khoảng 5,14%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với tháng trước.
Một số các NHTM có mức bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước bao gồm: STB (-0,7 điểm %), ACB (-0,5 điểm %), SHB (-0,3 điểm %) và LPB (-0,3 điểm %).
Như vậy, lãi suất tiền gửi đã thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (2021-6T2022). VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5,0-5,1% vào cuối năm 2023 và duy trì ở vùng thấp trong năm 2024.
Lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các NHTM đã giảm nhanh trong thời gian qua.
Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của Vn-Index trung bình trong tháng 11 vào khoảng 7,4% trong khi bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM trong tháng 11 tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm % so với tháng trước xuống còn 5,14%/năm, khiến cho khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục được nới rộng và tương đương thời điểm đáy trung hạn của thị trường vào đầu Q4/22.
Theo quan điểm của VnDirect, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư trung-dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường khá hấp dẫn khi đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp hiện nay và thu nhập toàn thị trường được dự báo có thể cải thiện kể từ Q4/23.
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng tín dụng, sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng chỉ rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.
Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Thủ tướng khẳng định, để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", mỗi đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận