“Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có cao hơn cũng không phải là vấn đề”
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức 10-12% hoàn toàn là bình thường gắn với rủi ro thị trường...
Với nhận định thị trường trái phiếu hiện đang bình thường, LS. Trương Thanh Đức cho rằng thậm chí cần phải khuyến khích đẩy mạnh hơn bởi bao nhiêu năm trời không phát triển được, bây giờ chính là lúc phải tăng trưởng đẩy mạnh.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đua phát hành trái phiếu
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm đã có 89,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó dẫn đầu về phát hành trái phiếu là các ngân hàng do nhu cầu tăng vốn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản cũng tích cực huy động từ kênh trái phiếu.
Theo MBS, nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành trong 6 tháng đầu năm với 19,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp do thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản.
Vì vậy, nhóm ngành này đang phải đẩy mạnh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm. Trong đó, trái phiếu của Phát Đạt có mức lãi suất coupon cao nhất lên đến 14,5%/năm. Trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, có kỳ hạn từ 1 năm đến 10 năm (CII), phổ biến là kỳ hạn 2 năm.
Trong 2 tháng 6-7 vừa qua, thêm hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất trên 10% như Đất Xanh, Sacomreal, Hưng Thịnh Land, Novaland, Phát Đạt…
Không chỉ các doanh nghiệp lâu năm, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với nhiều doanh nghiệp mới cũng liên tiếp được diễn ra. Gây chú ý là việc chuỗi cửa hàng cho vay cầm đồ F88 phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất chưa được tiết lộ.
Top 10 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 7 tháng đầu năm 2019
Quan trọng là quyền quyết định của nhà đầu tư
Trao đổi với VnEconomy về việc hàng loạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng thị trường đang phát triển bình thường bên cạnh việc góp vốn hay bán cổ phần.
Thị trường này phát triển mạnh bởi phát hành trái phiếu thậm chí còn được quy định điều kiện dễ dàng hơn cả cổ phiếu vì đơn thuần là khoản vay mượn dưới hình thức khác, còn quan trọng nhất là người mua, thị trường có chấp nhận hay không.
"Bây giờ có là 'giấy lộn, giẻ rách' mà vẫn tranh nhau mua thì vẫn bán được thôi, sau này về lý cũng như cổ phần 'lời ăn lỗ chịu', mua trái phiếu kiểu gì cũng được lãi, trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản thì mất nhưng nếu lỗ thì vẫn có thể trả lãi như mức đấy bởi đi vay là phải trả. Việc chây ỳ hay chậm trễ trả là một phần rủi ro bình thường", ông Đức nói.
Ông cũng lý giải việc phát hành nhiều là đúng quy luật, "đúng bài" bởi ngân hàng không thể là nơi cho vay, cung ứng chính mãi cho nền kinh tế, nhất là vốn dài hạn thì phải chuyển sang kênh trái phiếu là đúng. Tín dụng đang đi đúng hướng khi bên cạnh trái phiếu phát triển thì dư nợ ngân hàng cũng đang rất vững mạnh so với trước đây theo chủ trương giảm dần tăng trưởng tín dụng.
Quy định về trái phiếu đã có nhưng lỏng hơn trước đây, do đó quyền quyết định nằm ở những người tham gia thị trường. Ông Đức ví von việc mua trái phiếu không khác gì mua sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Sau khi mua có thể lên giá xuống giá, trái phiếu có thể niêm yết, chuyển nhượng, công ty khó khăn không có uy tín rất có thể bán lỗ hoặc thậm chí mất nhưng ngược lại giá có thể cao hơn, nhất là đối với trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu thì giá có thể lên cao hơn nữa.
Bàn về lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, ông Đức cho rằng: "Đến trái phiếu Chính phủ là an toàn nhất hiện nay nhưng lãi suất không hề rẻ, thế nên lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao là chuyện bình thường, lãi suất cao hiện tại nhưng cao nữa cũng chưa phải là vấn đề. Ví dụ muốn đi vay vốn ngân hàng với lãi suất đó chưa chắc đã vay được, bình thường lãi suất 6-7% nhưng đi cùng với đó là tài sản đảm bảo, uy tín, hạn mức, nhiều yếu tố khác để vay được, thế nên vay tiêu dùng lãi suất ngay lập tức 30-50%, lãi suất thẻ tín dụng cũng ở mức rất cao bởi nó gắn liền với rủi ro cao".
Vì vậy đối với lãi suất trái phiếu 10-12% hoàn toàn là bình thường gắn với rủi ro thị trường. Quan trọng nhất vẫn là các nhà đầu tư.
"Tôi ví dụ như mua nhà trên giấy, mua đất đai buôn bán, người mua có thể lãi cao đến trăm tỷ nghìn tỷ nhưng cũng có người có thể mất trắng. Nên không có gì phải hạn chế. Chỉ có điều doanh nghiệp nào thông tin sai lệch, lừa đảo thì cần xử lý sớm. Nếu là doanh nghiệp đại chúng thì Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có ý kiến. Còn với những doanh nghiệp bình thường, kế hoạch tài chính tự các nhà đầu tư phải xem xét, lựa chọn, những trường hợp này phát hành diện hẹp, ít người tham gia nên phải tự cân nhắc chứ chính sách không thể nào làm thay thị trường được, nếu có thì cảnh báo dấu hiệu để thận trọng mà thôi", LS. Trương Thanh Đức đánh giá.
Với nhận định thị trường trái phiếu hiện đang bình thường, vị chuyên gia này cho rằng thậm chí cần phải khuyến khích đẩy mạnh hơn bởi bao nhiêu năm trời không phát triển được, bây giờ chính là lúc phải tăng trưởng đẩy mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận