Lãi suất tiết kiệm trượt dài, dòng tiền thông minh tìm đến các kênh đầu tư chứng khoán hay bất động sản?
Theo báo cáo thị trường quý 3/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành đã tích cực can thiệp để khôi phục thị trường bất động sản.
Đặc biệt, gần 20 động thái từ phía Chính phủ đã được thông báo một cách liên tục và mạnh mẽ, góp phần tăng cường niềm tin và sức mạnh cho thị trường và các bên liên quan.
VARS nhận định, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 là tín hiệu quan trọng nhất, mang tính hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng. Theo thời gian, các cơ chế và chính sách từ Chính phủ ngày càng phản ánh đúng nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp.
Nhiều vấn đề và khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được giải quyết. Điều này, tạo điều kiện cho hầu hết các dự án “còn khả năng” tái khởi động. Do đó, thị trường bất động sản đang diễn ra với những diễn biến tích cực hơn.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhà đầu tư dự án đã thể hiện sự nhiệt tình bán hàng thông qua loạt chính sách kích thích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất kéo dài, cùng việc nhận nhà sớm và mở rộng thời gian thanh toán, trong đó có dự án kéo dài đến 3 năm.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, năm 2024 là một năm thách thức của ngành bất động sản, tuy nhiên cũng mở ra cơ hội rất lớn để vực dậy thị trường bất động sản.
Đặc biệt hơn, khi trên thị trường có tới 31/63 tỉnh thành công bố quy hoạch. Có thể kể đến như thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kon Tum…
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, với lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Sự giảm lãi suất huy động cùng với các chính sách bán hàng mới đang kích thích giao dịch.
Sự thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế vĩ mô và dự kiến tăng trưởng kinh tế là những tín hiệu tích cực. VARS cho rằng, năm 2024 có thể là thời điểm thị trường đảo chiều từ quý 3 và khởi sắc từ quý 2/2025, đặc biệt sau khi các luật như Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua.
Đầu năm 2024 sẽ mang đến một cơ hội đặc biệt cho những người quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Các yếu tố tích cực như sự hồi phục mạnh mẽ, chính sách hỗ trợ, và quy hoạch mới tạo ra môi trường thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược và mục tiêu đầu tư, để tránh hối tiếc trong tương lai.
Mặc dù thị trường chưa hồi phục rõ nét, nhưng giá bất động sản vẫn neo ở mức cao, thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Trái ngược với sự sụt giảm về mức giá và thanh khoản của sản phẩm đất nền, biệt thự, shophouse, liền kề, nhà phố.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, giá địa ốc đã tăng gấp hàng chục lần trong thập kỷ qua. Riêng trong năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai con số. VARS dự báo, trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 - 8%.
Sự gia tăng này, do khan hiếm nguồn cung mới khiến thị trường thiếu tính cạnh tranh. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá cao hơn nữa. Chi phí đầu tư, xây dựng tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí tiếp cận tài chính tăng.
Bên cạnh đó, chi phí tạo lập quỹ đất quá cao cùng nhiều khoản chi phí “không tên" phát sinh khi thực hiện chủ đầu đầu tư, xây dựng, phát triển dự án khiến chủ đầu tư khó giảm giá.
Ngoài ra, lãi suất thấp cùng lạm phát cao kỷ lục của quãng thời gian trước cũng là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận